dangthieuquang

Archive for Tháng Tư, 2013|Monthly archive page

Người ta giống nhau ở chỗ không ai giống ai cả

In Uncategorized on Tháng Tư 13, 2013 at 10:16 sáng

Đó là một dòng chữ ở bìa cuối cuốn Hoen gỉ – cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, viết năm 1994, khi 20 tuổi. Cũng năm đó, hoặc trước nữa, tôi còn viết một truyện ngắn nhan đề: Người ta nghiêm túc ở tuổi hai mươi, đăng báo Tiền Phong, mục Tác phẩm tuổi xanh. Giờ gặm lại những thứ đó, thấy nho còn xanh lắm, thậm chí là rất non đằng khác. Nhưng khi người ta trẻ, người ta có quyền nghĩ mình nghiêm túc, có quyền bi quan, tuyệt vọng, ủ dột, và có quyền khác biệt.

Khi chị Châu Minh, biên tập viên NXB Hà Nội hỏi tôi muốn đề từ câu nào trên bìa sách, tôi đã chọn câu ấy: “Người ta giống nhau ở chỗ không ai giống ai cả”, vì nó phù hợp với cuốn tiểu thuyết, với nhân vật chính, một gã nhà báo lập dị. Có thể hồi đó tôi say mê sự khác biệt của mình. Thì sao nữa, viết văn chính là một sự khác biệt, một sự ngu ngốc, điên rồ.

Nhưng con người là những kẻ vô lý, hoặc ít ra xã hội chúng ta có thói quen là vậy, thích đồng hóa mọi thứ, họ khó có thể chấp nhận sự khác biệt, từ hình thức đến suy nghĩ của những kẻ khác. Gần đây họ đang xúm vào ném đá cậu bé Đỗ Nhật Nam, chỉ vì cậu này có trả lời phỏng vấn đại ý rằng cậu ta không thích truyện tranh, cậu gọi truyện tranh là một con sâu đục khoét tâm hồn. Thậm chí cách đây mấy hôm tên cậu liên tục được nhắc tới trong bữa cơm của các bậc cao niên. Thoạt tiên tôi chẳng nhớ ra nổi cái tên này, và chẳng hiểu các cụ nói về chuyện gì nữa, mãi sau tôi mới nhớ ra đã từng gặp cậu bé này trong một event gặp gỡ cộng tác viên của Thái Hà Book, cậu được báo chí săn đón, gọi cậu là thần đồng. Cậu nói năng như người lớn, nói nhanh như liên thanh, xưng tôi, rất tự tin. Nhưng như thế thì đã làm sao? Phải thú nhận một điều là đã hơn một lần tôi từng nghĩ truyện tranh là nhảm nhí, đa phần ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ. Tôi cũng không thích bọn trẻ suốt ngày dán mắt vào phim hoạt hình nữa, ngay cả khi tôi cùng chúng xem hết tập này đến tập khác Mèo béo Oggy và những con gián.

Tôi ngạc nhiên khi các dư luận viên dân chủ mạng của chúng ta lại có thể phẫn nộ đến vậy vì quan điểm của một cậu bé bất đồng với họ. Chúng ta đừng mơ đến nền dân chủ, không phải vì lũ lợn cai trị quá độc tài, mà đơn giản là bởi nó (nền dân chủ), là quá xa xỉ với một cái trại gia súc, vậy thôi.

Bạn có thể yêu thích phim khiêu dâm, tốt thôi, điều đó chứng tỏ bản năng duy trì nòi giống của bạn khá mạnh. Bạn thích truyện diễm tình tôi viết, vâng tốt quá, bạn là người thích lãng mạn hoa tình. Nhưng đừng vì thế bắt mọi người phải giống như bạn. Vẫn còn vô số người có thiên hướng yêu thích phim hoạt hình, phim Hàn Quốc, phim tài liệu, hoặc đơn giản là họ không thích phim ảnh hoặc tiểu thuyết, sách vở…

Khó mà đòi hỏi có sự tôn trọng ở xã hội này, nhất là tôn trọng sự khác biệt của nhau. Câu chuyện về cậu bé kia chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng lạnh lẽo này. Nó tồn tại ở đó mà người ta không hay biết, luôn đổ hết mọi lỗi cho cơ chế, nhưng họ ít khi nhận thức được nó ở chính nhận thức của họ, ẩn sâu trong định kiến của chính họ, thậm chí có thể gọi nó là ý thức hệ hoặc tư duy bày đàn cũng không có gì là quá đáng.

Chủ đề này có nhiều điều để bóng bàn, sẽ trở lại sau ít phút, lưu tạm vào đây đã.
Ban nãy viết khá dài, bụp phát thao tác sao đấy go back one page mất sạch 😦

Tôi đã trở lại, sau khi pha thêm một cốc cà phê bự, ngồi giữa cái quán nhỏ bên đường vành đai 3 Khuất Duy Tiến. Đã muộn rồi, nhưng những chiếc xe tải vẫn chạy rầm rầm ở đường trên cao lẫn làn bên dưới. Những đồng chí công an phường ngồi trên thùng chiếc xe tải bé tí, lượn lờ qua nhắc nhở tắt đèn ngay lúc 11h đêm. Đấy, họ không thích việc một gã bán cà phê mặc dù đã hết khách đóng cửa vẫn lụi cụi ngồi gõ gõ những điều họ chẳng bao giờ đọc, chưa nói đến việc những điều đó có thể lại còn rất phản động. Ban chiều, tôi dành cả hơn tiếng đồng hồ xem một bộ phim tài liệu của Nat Geo về thảm họa tàu Titanic, một cách lý giải mới về nguyên nhân dẫn đến con-tàu-không-thể-chìm ấy, rốt cuộc đã chìm nghỉm, với hơn 1500 nạn nhân chết, chỉ sống sót 700 người.

Lý do quan trọng khiến những quan sát viên lão luyện trên tàu chỉ nhận ra tảng băng khi con tàu tiến gần sát nó, dẫn đến việc không tránh kịp, là bởi ảo ảnh gây ra giữa vùng băng trôi, sự chênh lệch nhiệt độ không khí đột ngột khi tàu tiến vào dòng hải lưu băng trôi khiến mọi thứ không như người ta thấy, y hệt hiện tượng ảo ảnh xảy ra ở sa mạc. Chúng ta thấy hồ nước và những ốc đảo xanh tươi trước mắt, nhưng đi mãi không tới. Cũng vì lý do tương tự, tàu Californian ở cách đó 9km cũng nhầm lẫn bởi ảo ảnh này, họ không đến cứu tàu Titanic khi tưởng tín hiệu morse kêu cứu bằng đèn pha nháy của Titanic cũng như những vì sao nhấp nháy, do hiệu ứng khúc xạ ánh sáng, nó chỉ là tình cờ của một con tàu bình thường nhỏ bé nào đó, chứ không phải một Titanic khổng lồ đang nguy cấp. Tàu Californian bị kết tội làm ngơ trước thảm họa, và thuyền trưởng tàu cho đến lúc chết vẫn không được minh oan.

Môi trường mạng có vẻ dân chủ, trong một thế giới có vẻ rất phẳng, nhưng thực tế những gì đang xảy ra ở đây lại hoàn toàn khác biệt với nó, gây ra những nhầm lẫn tai hại, lệch pha, những ảo ảnh huyễn hoặc. Bạn tưởng mình có thể là bất cứ gì mình đang là, sẽ là, làm mọi thứ bạn muốn. Nhưng thực tế bạn bị siết chặt trong lũy tre làng với định kiến lâu đời, bị nhồi sọ, bị chôn sống, và sống trong sợ hãi, bạn và mọi thứ nơi đây chưa hề sẵn sàng để thay đổi, và hoàn toàn mù tịt về sự nguy hiểm của những tảng băng trong chính mình, những thứ định kiến sắc lạnh ghê người, mà một khi húc đầu vào, chỉ có toi.

Cách đây hai hôm, tôi buộc phải thay mặt gia đình tham gia họp tổ dân phố về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Trước đó, ở quán nước, mọi người có vẻ khá hài hước, như thể tất cả sẽ tham gia một màn hài kịch cho gọi là có, cho tổ dân phố khỏi mất điểm vậy. Nhưng thật kỳ lạ, khi bắt đầu, họ tỏ ra thực sự nghiêm túc, họ nói về ơn Đảng, về sự đúng đắn và duy nhất của Đảng. Tôi có cảm giác đang tham gia một cuộc họp chi bộ những năm 60 vậy. Tôi sực nhớ ra trước khi họp, lúc tôi đùa giỡn: “Chẳng nhẽ lại góp ý bỏ điều 4, thế thì lấy ai lãnh đạo đất nước cơ chứ…” thì tự dưng bầu không khí vui vẻ tắt ngấm.

Ơn Đảng, các cụ hưu trí hăng hái góp ý sửa đổi Hiến pháp, cũng có nhiều ý kiến ghê phết, chẳng hạn như “tại sao Đảng chỉ là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nông trí thức, thế còn những giai cấp lao động khác thì sao?”. Các cụ cũng khôn lắm, không động chạm gì đến giai cấp tư bản thối nát, chỉ dùng uyển ngữ “giai cấp lao động khác”. Thật là tao nhã và độ lượng làm sao! Trước cuộc họp, các cụ mát mẻ rằng dào ôi, có góp ý thì cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Các cụ ra vẻ hiểu chuyện lắm, nhưng khi phát biểu thì hầu như nói ngược lại tất, hoặc né tránh, và sự đồng hóa tư tưởng đã được đặt ra ngay từ đầu với sự định hướng của chủ tọa. Mình ngồi ngắm mọi người: cậu hàng xóm xe ôm bên cạnh, mặt cậu ta ngơ ngác, sốt ruột, hôm nay cậu ta phải nghỉ việc chạy xe và chạy chợ với vợ để họp cuộc họp vô bổ này, bố cậu ta ung thư giai đoạn cuối đang nằm viện K, được an ủi là đi họp có trà xanh uống, phong bì 20 ngàn lúc ra về. Con bé bán thẻ điện thoại và xổ số điện toán đầu ngõ ngồi rì rầm buôn chuyện vặt với bà sồn sồn đang tính lô tính đề, chú hàng xóm thì liên tục xem đồng hồ, chú khác thì lơ đãng, chú khác nữa mải nhìn trộm vào ngực con bé bán thẻ điện thoại…

Lúc đó, tôi bỗng hình dung một viễn cảnh, một ảo ảnh điên rồ. Tôi sẽ đứng dậy phát biểu ý kiến, rằng các cụ ạ, nhất định ta phải bỏ điều 4, phải đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, chính trị cũng như thị trường tự do vậy, phải có cạnh tranh mới phát triển, rằng chủ nghĩa tư bản tưởng là giãy chết lại đang là cái mà chúng ta sao chép một cách méo mó, nửa vời, với một cái định hướng xã hội chủ nghĩa rất chi là mơ hồ, một ảo ảnh xa xôi nhấp nha nhấp nháy, mà đừng nói đến cậu xe ôm, ngay cả tôi cũng chả hiểu cái chủ nghĩa ấy nó như thế nào nốt. Tôi hình dung những người hàng xóm có vẻ thân thiện và tốt bụng kia, họ đang tham gia đủ các loại tổ chức to nhỏ khu phố, họ sẽ thấy một con chiên ghẻ trong bầy lộ mình ra, làm ảnh hưởng đến thành tích chung như thế nào, hẳn là họ sẽ rất lấy làm khó chịu. Chưa cần làm gì đe dọa đến sự an toàn của họ đâu nhé, chỉ cần bày tỏ suy nghĩ khác họ thôi, là họ sẽ cho bạn mệt đấy. Tôi nhớ lại dạo nọ có một cuộc tranh luận bất đắc dĩ không đâu vào đâu, với một ông chú vốn là sĩ quan quân đội về hưu, về chủ đề tự do, dân chủ, đa đảng, đại khái vậy, tranh luận với họ giống như ta húc đầu vào đá vậy. Lật trên bìa cuối cuốn tài liệu to dày in ấn Hiếp pháp sửa đổi, xem đơn vị nào giành được quyền béo bở xuất bản cái thứ này, lại thấy tên NXB Hà Nội, và biên tập viên không ai khác, vẫn là chị Châu Minh. Tôi nhớ, dạo nọ lẽ ra cuốn Chờ tuyết rơi của tôi đã có thể in ở NXB Hà Nội thay vì NXB Hội Nhà Văn, nếu như khi ấy NXB Hà Nội không bận in ấn tài liệu phục vụ bầu cử. Mọi chuyện trên đời này là tình cờ, nhưng cũng luôn có lý do của nó cả.

Tôi bỏ dở cuộc họp, bởi tôi là con sâu giữa nồi canh nóng hổi này. Thấy tôi về sớm, phụ huynh tôi áy náy sao đó, lại lụi cụi ra họp tiếp (nhân tiện, tôi sẽ nói đến sự khác biệt giữa các thế hệ, giữa phụ huynh và con cái, có lẽ sẽ nói vào một lúc khác, sự xung đột này mới là dai dẳng và chưa bao giờ cũ kỹ).

Cuộc họp dân phố lấy ý kiến về sửa đổi hiến pháp kéo dài từ 20h tối đến hơn 23h, tại một quán cơm bia hơi sát cổng Phân viện của học viện chính trị quốc gia. Cái quán này sống nhờ phục vụ các học viên, kiếm bộn tiền, ngày càng hoành tráng. Chắc hẳn là ở nơi này, hàng ngày các học viên vẫn tranh luận một cách sôi nổi và dân chủ về mọi vấn đề về tư tưởng, về những vấn đề hệ trọng của đất nước, trong men bia hơi rượu, và thịt cá nhồm nhoàm, thế nên chủ quán hẳn là bấy lâu đã thấm nhuần những bài học chính trị, hào phóng cho mượn địa điểm để tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Tôi ghi vào tờ giấy in sẵn lấy ý kiến ấy dòng chữ: Không có ý kiến gì.

Phần cà phê cho em

In Uncategorized on Tháng Tư 8, 2013 at 1:25 chiều

Hành trình của hạt cà phê từ lúc người nông dân trồng trọt cho đến tay khách hàng…

Trong bữa cơm người Việt, đôi khi vẫn để phần cơm cho người về muộn, người đến sau. Bao giờ cũng để phần ngon, và thường nhiều hơn một chút. Đấy là một thói quen, một truyền thống. Người được phần sẽ cảm thấy rất ấm lòng.

Hồi sinh viên, mỗi khi nhẵn túi mà thèm cà phê, mình hay nghĩ đến những ông bạn, vì lần nào mình đến chơi cũng được kéo ra quán cà phê. Sau khi đủ cữ cafein trong người, đêm ấy thể nào mấy thằng cũng thao láo, vẽ vời, viết lách, hoặc làm phiền hàng xóm bằng cách ca hát om sòm.

Cách đây vài hôm, mình thấy có một hình thức khá hay và áp dụng chương trình này ở quán mình luôn, nôm na gọi là cà phê để phần. Những người khách có điều kiện và hảo tâm, có thể trả trước tiền cà phê cho những người khó khăn được uống miễn phí, và cũng là để ủng hộ quán. Vậy những ai sẽ được uống miễn phí? Đó sẽ là những người nghèo, sinh viên nghèo, những người khó khăn, thương binh, công nhân. Tóm lại là những ai thực sự cần cà phê mà lại nhẵn túi, không đủ xa xỉ để uống một tách cà phê. Chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng người nghèo thì cơm chưa đủ no sao lại uống cà phê làm gì cho cồn ruột, rằng làm thế nào để biết ai nghèo ai khó khăn.. vv…

Tất cả những điều đó chỉ là tiểu tiết thôi các bạn ạ. Mình sẽ dành cà phê miễn phí cho những người mà mình thấy họ thực sự cần, hoàn toàn theo chủ quan của mình. Ví dụ một bạn sinh viên cần thức đêm viết bài luận, một chị lao công làm ca đêm, một anh xe ôm gà gật chờ khách, một bác thương binh chạy xe ba bánh, cựu binh nghèo, người bán hàng rong…

Mình từng đọc những mẩu chuyện về những tài năng, các trí thức, nghệ sĩ nghèo thuở vi hàn, khi đó họ thường không đủ tiền để uống cà phê bao giờ cả. Cà phê là một thứ đồ uống mang lại cảm hứng sáng tạo làm việc, giúp đầu óc tỉnh táo. Một số chương những cuốn sách của mình được viết ở quán, bên tách cà phê. Nên từ kinh nghiệm cá nhân, mình biết cà phê rất có ích khi được dùng đúng cách.

Trong lúc nạn cà phê bẩn, cà phê giả đang tràn lan như hiện nay, gu uống cà phê của người tiêu dùng bị lệch lạc, họ bị đầu độc hàng ngày mà không hề hay biết, hoặc có biết cũng đành nhắm mắt uống, vì chẳng biết kiếm cà phê xịn ở đâu. Ấy thế nhưng khi được uống cà phê nguyên chất thực sự, thì thường họ lại chê nó nhạt, chua, kém thơm ngon, bởi họ đã quá quen với hương liệu cà phê giả mất rồi.

Hãy hình dung những kẻ làm cà phê bẩn, cà phê giả: họ bán bột ngô rang với giá cà phê thì lợi nhuận như thế nào, và họ có thể hạ giá tới chừng nào để cạnh tranh? Nhưng điều nguy hiểm nhất là nó làm lệch lạc khẩu vị, đầu độc người tiêu dùng, hủy hoại sức khỏe họ.

Kinh doanh cà phê nguyên chất như mình và một số người khác đang làm thực sự là gặp rất nhiều khó khăn do bị cà phê giả cạnh tranh giá cả và làm thị hiếu tiêu dùng trở nên lệch lạc, nhưng mình và họ vẫn quyết tâm làm đến cùng, trước hết để phục vụ bản thân và cộng đồng. Sau nữa, đơn giản là mình và họ tự thấy rằng phải làm điều này, rằng điều này là đúng đắn. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng thời buổi này đôi lúc điều đúng đắn không phải luôn có thể dễ dàng nhận biết được. Sống chung quá lâu với những chuyện phi lý, người ta quen mất rồi.

Cà phê thực sự là một món quà hào phóng từ Thượng Đế, với những hương vị tiềm ẩn trong nó, với những gì mà nó đánh thức trong chúng ta, đánh thức những năng lượng dự trữ, trí tưởng tượng, sức sáng tạo mà chúng ta có sẵn nhưng còn đang ngủ quên. Thật phi lý khi lại từ chối món quà này để uống cà phê giả toàn hóa chất độc hại và chất độn.

Hành trình của hạt cà phê từ khi được bàn tay người nông dân chăm sóc trồng trọt nhiều năm trời, mỗi năm một mùa thu hoạch, sơ chế, sàng lọc. Rồi qua những người thu mua, trung gian, đến tay những thợ rang cà phê dồn cả tâm huyết, đổ mồ hôi sôi nước mắt bên lò rang, cố gắng tìm ra điểm thăng hoa của từng loại hạt cà phê của từng mùa, từng vùng nguyên liệu. Rang cà phê rồi xay nhỏ ở kích cỡ phù hợp, rồi đến tay người pha chế, để pha ra đủ các loại đồ uống liên quan đến cà phê. Chất lượng tách cà phê mà bạn uống, phụ thuộc vào cả chuỗi những công đoạn giống như một chuỗi xích dài, mà chỉ một mắt xích nhỏ không tốt hoặc bị lỗi cũng sẽ khiến cả chuỗi xích bị gãy đứt, không hoàn chỉnh. Mỗi một con người tham gia chuỗi mắt xích này đều quan trọng, đều là những nghệ nhân thầm lặng. Để có trên tay những hạt cà phê đầy đặn, sạch sẽ, mình luôn biết ơn những người nông dân cẩn thận, chăm chỉ, lương thiện, những nhà thu mua kỹ tính, trách nhiệm. Mình chỉ cố gắng làm tốt những công đoạn cuối: rang xay pha chế, và đưa nó đến với những người cần nó.

Một tách cà phê nguyên chất mà bạn uống, hoặc trả trước một tách cà phê để phần cho người khác được uống, là bạn đang góp một phần ủng hộ cả một chuỗi giá trị mà những người yêu cà phê chúng tôi đang theo đuổi, bạn ủng hộ từ người nông dân trồng cà phê cho đến những người lao động tham gia chuỗi chế biến, kinh doanh, và thậm chí ủng hộ cả những người cùng thưởng thức cà phê như bạn nữa.

 

Cà phê Việt Nam rất ngon, nó xứng đáng được tôn trọng, được tôn vinh. Hoặc ít nhất, là hãy đánh giá đúng giá trị của nó!