dangthieuquang

Archive for Tháng Năm, 2008|Monthly archive page

Tâm trạng khi say

In Uncategorized on Tháng Năm 29, 2008 at 8:58 sáng

Tuần san Thanh Niên số 115 (4.7.2008) in truyện ngắn này. Trần Nhã Thụy đánh giá truyện này thành công. Cám ơn bạn biên tập viên đã gọt giũa lại cho truyện bớt rườm rà! (mình bị cái bệnh dông dài!)

Các bạn mua tờ Tuần san này đi, rẻ giề, có 8.000đ, mà lại một lô ảnh hoa hậu thế giới nhé!

***

Tôi nhớ đó là một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trời lại còn mưa gió bịt bùng suốt từ chiều. Thời tiết tệ hại thế này thì coi như cầm chắc một buổi tối ế ẩm.

Qua cửa kính bám đầy nước mưa hắt vào, những bóng người trùm kín áo mưa vội vã phóng xe máy lướt trên phố nhòe nhoẹt, hầu như chỉ còn thấy ánh đèn pha và màu đỏ đèn hậu. Tôi kêu cậu bartender ra lau cửa kính, còn mình thì vào đứng thế chỗ cậu ta. Quán vắng teo, lèo tèo vài đôi tình nhân bị kẹt cơn mưa từ chiều, họ ngồi trên tầng hai, có lẽ đã hôn nhau chán chê, chờ tạnh cơn mưa.

Nhưng có vẻ cơn mưa lê thê này sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Đã thế thì cho sầu hẳn, tôi đổi đĩa CD, đó là một album nhạc Trịnh Công Sơn toàn những bài hát về mưa:

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…

Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi…

Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi mi…

Giọng ca Khánh Ly cất lên lê thê.

Tôi chẳng biết làm gì, bèn lôi các loại ly cốc ra lau, đó là một thói quen của những người đứng bar, thậm chí như một thú vui. Khi tôi lau đến bộ ly chuyên để uống cognac thì gã đẩy cửa bước vào. Chiếc chuông nhỏ gắn ở cửa reo lên thứ âm thanh vui vẻ quen thuộc, hầu như tất cả nhân viên của quán đều bất giác ngoái đầu nhìn gã, tỉnh cả ngủ.

– Khỏe không Don Juan? – Tôi mỉm cười hỏi – Em út đâu cả rồi?

– Không khỏe lắm! – Gã uể oải đáp, trong lúc rũ nước mưa và gập chiếc ô lại.

– Anh Đông uống gì ạ? – Cậu bartender hỏi, cậu ta đã quay trở lại sau khi lau xong mấy cái cửa kính to tướng.

Gã không đáp, lặng lẽ treo chiếc ô vào móc rồi nặng nhọc leo lên chiếc ghế quầy bar, như một gã cowboy vừa trúng đạn đang cố gắng leo lên lưng ngựa vậy.

Tôi khoát tay xua cậu bartender đi chỗ khác, lặng lẽ lau chiếc ly rock rồi phủ một lớp tuyết muối mỏng lên miệng. Một đĩa chanh lát mỏng kèm muối, một lon Tonic lạnh, và sau cùng là một chai rượu Gin.

– Cám ơn! – Gã ủ rũ thều thào.

– Cần gì thì ới nhé – Tôi nháy mắt.

Gã thậm chí không buồn trả lời tôi, đôi mắt trống rỗng xa vắng.

Don Juan, tên thật là Đông, làm quản lý một câu lạc bộ đêm trong khách sạn, gã luôn có cái dáng vẻ xa cách như vậy. Đó là một gã trạc ba mươi, điển trai, luôn đi cùng những cô gái xinh đẹp. Thoạt nhìn cách ăn mặc và điệu bộ, nom gã như một dân chơi chính hiệu, còn đám gái vây quanh gã dĩ nhiên là gái nhảy. Bẵng đi một thời gian gần đây, không thấy gã đến quán nữa.

Tôi tiếp tục lau chùi ly cốc, công việc đều đặn và tẻ nhạt cùng tiếng nhạc miên man, như ru ngủ vậy. Ngoài trời đêm vẫn mưa, phố xá nhạt nhòa. Phía mặt hồ nước từng đợt mưa sa gió táp loang loáng ánh đèn xa xăm.

– Uống với tôi một ly! – Gã nói.

– Mưa gió chán nhỉ! – Tôi nói bâng quơ rồi vứt chiếc khăn cho cậu bartender làm nốt công việc.

Rõ ràng gã Don Juan này đang có tâm trạng, chịu khó nghe câu chuyện của gã, tôi sẽ bán hết veo chai rượu một cách dễ dàng. Tôi lững thững đi về phía cuối quầy bar, nơi gã đang ngồi đó nhìn tôi với đôi mắt trống rỗng. Chắc lại một câu chuyện về gái, tôi thầm nghĩ, hoặc gã mới bị sa thải. Có trời mới biết được hàng ngày có biết bao nhiêu tấn bi kịch xảy ra trên đời này.

Chúng tôi cụng ly, tôi nhận thấy gã chẳng mấy hào hứng.

– Nào! – Tôi nói – Cụng ly vì sức khỏe nào!

– Có cụng ly cũng chả khỏe hơn đâu – Gã nói – Nhưng thôi, sao cũng được.

– Có chuyện gì chán à? – Tôi hỏi.

Gã nhún vai không đáp, chỉ lắc đầu rồi tợp rượu. Cái thứ rượu Gin này thơm lừng, rất mạnh, tôi không thể nuốt nổi nếu không pha soda. Vậy mà những ly đầu, gã uống nguyên chất, uống như để say xỉn thật nhanh vậy.

– Chả có chuyện gì đâu – Gã nói – Anh đã bao giờ thấy tôi say chưa nào?

– Ừ, đúng là chưa từng thấy cậu say bao giờ.

– Uống đi! – Gã nói, rồi lại rót tiếp cho tôi.

Mưa vẫn rả rích ngoài kia, có một đôi trai gái đi tắc xi đến quán, họ khoác tay nhau đi vào, dáng vẻ rất tình tứ. Chúng tôi uống và ngắm họ.

– Anh có nhớ cách đây khá lâu, tôi hay đi cùng con bé tóc vàng không? – Gã bỗng dưng hỏi tôi, trong khi mắt vẫn không rời đôi trai gái kia.

– Cậu đi với nhiều em quá, tôi chả nhớ em nào với em nào cả, mà em nào trông cũng ngon lành.

– Con bé có cái nốt ruồi nhỏ dưới cằm ấy.

– Cậu thử nói nốt ruồi của tôi ở đâu xem nào? – Tôi cười – Đừng có quay lại nhìn tôi nhá. Nào, nói đi!

– Anh đâu phải là gái chứ? – Gã nhếch mép – Tôi nói con bé mà có lần anh pha cocktail gì màu xanh cho nó ấy.

– Ờ, nhớ rồi – Tôi nói bừa cho xong chuyện, chứ thực ra tôi chỉ nhớ rằng gã luôn đi với những cô gái có những bộ ngực cỡ bự, ăn mặc hở hang, như thế thì khuôn mặt các cô chả còn mấy ý nghĩa nữa, nói gì đến nốt ruồi.

Gã có vẻ không hài lòng với câu trả lời của tôi, gã nốc một hơi cạn ly rượu, và tiếp tục rót. Trong chốc lát, chai rượu đã vơi đi trông thấy. Tôi lấy thêm lon soda Tonic nữa.

– Sao nào? – Tôi hỏi – Thế có chuyện gì với em nốt ruồi ấy nào?

– Chả sao cả – Gã nhìn đi chỗ khác – Thôi bỏ đi! Cũng chẳng có chuyện gì cả, chắc tại trời mưa nên đâm ra dở người. Chắc anh chẳng muốn nghe đâu.

– Tôi ghét nhất là cái trò úp úp mở mở.

Gã quay lại nhìn tôi, thoáng chần chừ, rồi thở dài thõng thượt. “Thôi được!” – Gã nói – “Uống với tôi thêm ly nữa, rồi tôi kể anh nghe…”

Tôi cụng ly rồi nhấm nháp qua loa. Gã có thể say sưa, nhưng tôi còn phải quản lý cái quán này. Đã lác đác thêm vài vị khách bước vào, hóa ra tối nay cũng không đến nỗi tệ. Ít nhất là tôi sẽ bán được chai rượu này.

– Thực ra mọi người gọi tôi là Don Juan cũng đúng thôi – Gã nói, bằng cái giọng trầm ấm – Anh biết đấy, tôi quản lý vài chục em gái nhảy, mấy năm nay chưa bao giờ thiếu gái. Tôi muốn ngủ v
i đứa nào
cũng được. Năm ngoái nó xin vào làm, con bé có cái nốt ruồi ấy, tên nó là Ly, người miền Trung. Như thường lệ, tôi check “hàng” xem chất lượng thế nào, đấy là chuyện bình thường, nói thật là tôi cũng chẳng mấy hứng thú, mặc dù nó là “hàng” mới. Tất nhiên nó đẹp, rất đẹp là đằng khác, có lẽ đẹp nhất trong đám gái tôi từng quản lý. Hình như tiếp xúc nhiều với các em chân dài, đâm ra tôi chai sạn hay sao ấy. Hoặc vì với tôi chuyện ấy dễ dàng quá nên tôi chẳng có cảm xúc gì cả. Thật đấy, bây giờ cho dù hoa hậu có tụt váy giữa cái quán này tôi cũng chẳng mấy hứng thú gì, anh có tin không?

– Rồi sao nữa? – Tôi sốt ruột, nuốt nước bọt, trong bụng thầm ghen tị với gã.

– Cứ bình tĩnh nào! – Gã cười nhạt – Chuyện của tôi rất ngắn, như váy các em ấy thôi, rồi anh sẽ thấy. Mà suy nghĩ các em ấy cũng ngắn nữa. Buồn cười là ngay lần đầu gặp tôi, cái con bé Ly ấy cứ lăn lóc như bi mới lạ, nó yêu thật sự ấy, anh không thể hình dung nổi đâu. Tôi vốn không bao giờ tin lời gái, anh biết đấy, quản lý cái đám ấy thì phải vậy thôi, không bao giờ được để chúng nó qua mặt. Chính vì thế nên tôi biết khi nào chúng nói láo, khi nào chúng nói thật, tôi biết là con bé ấy nó yêu tôi thật sự, nó xin được hầu hạ phục vụ tôi, làm bất cứ gì mà tôi muốn.

– Thế cậu muốn gì?

– Ban đầu tôi chả muốn gì cả, tôi không muốn dây dưa gì. Nhưng một hôm, có thằng khách người Đài Loan say rượu, làm gì đấy quá trớn, hình như nó không chịu nên bật lại. Thằng kia đòi gặp quản lý, thế là tôi phải đến giải quyết. Tôi tát nó trước mặt thằng khách, bắt nó xin lỗi, trò cũ rích ấy mà. Thường thì mọi việc sẽ êm xuôi ở đấy, tôi sẽ kêu một em khác ra phục vụ là xong. Nhưng hôm ấy thằng Đài Loan kia cố tình làm già, đòi con bé phải phục vụ từ A đến Z. Lằng nhằng một lúc, tôi đành bảo thằng kia là tôi vừa sa thải con bé rồi, vì nó vi phạm quy định, làm phật lòng khách. Lúc ấy mọi chuyện mới xong xuôi…

Gã bỗng dưng dừng lại ngập ngừng.

– Chuyện cũng chẳng có gì nhỉ? – Tôi tỏ ra thất vọng.

– Thế anh muốn nghe chuyện gì nữa? – Gã nhìn tôi vẻ hơi khó chịu – Mà tôi đã kể hết chuyện đâu! Tôi không biết kể như thế nào nữa, khó nói lắm, không hẳn là tôi thương hại con bé ấy, yêu thì càng không, nhưng mấy hôm sau tôi kêu nó về ở chung, rồi tôi cho nó nghỉ hẳn ở nhà, gần như là ô sin ấy, chính nó muốn như thế. Lương lậu của tôi cộng với các khoản hoa hồng đủ để tôi bao nó, hàng tháng nó vẫn có tiền gửi về nhà cho ông bà già nuôi mấy đứa em nó ăn học. Tôi cũng đỡ phải mang đồ đi giặt hay thuê mướn người dọn dẹp nhà cửa. Với lại, nó cũng đẹp nữa, tôi vẫn chưa hẳn là vô cảm hoàn toàn với gái. Đại khái, bọn tôi sống với nhau như vợ chồng vậy, không hẳn là vợ chồng, nhưng có khác quái gì đâu. À mà anh có vợ con gì chưa nhỉ?

– Chưa, chắc là còn lâu.

– Vậy tôi khuyên anh nên lấy vợ sinh con ngay đi! – Gã nói – Chắc anh nghĩ tôi xui dại, nhưng tôi khuyên thật lòng đấy, thậm chí ngay ngày mai, hãy lấy một em nào đấy tàm tạm, bình thường, sinh con đẻ cái, như mọi người bình thường…

– Tại sao vậy?

Gã lại nốc rượu. Có vẻ gã đã hơi say và bắt đầu nói năng linh tinh. Theo kinh nghiệm của tôi, đây chính là lúc tệ hại nhất, tôi sẽ phải vờ gật gù trước những câu chuyện không đầu không cuối, những lời lè nhè vô tận. Biết làm sao được, cái nghề đứng bar này nó phải vậy.

– Tại sao à? – Gã khật khưỡng tiếp tục – Tại vì khi anh đã sai lầm rồi, anh chẳng làm gì được nữa, chẳng còn gì, mà anh chẳng biết thế quái nào là đúng với sai, chỉ khi sai rồi anh mới biết, khi anh biết thì đã sai mất rồi.

– Khi đã say rồi cậu mới biết – Tôi nhại lại gã – Khi cậu biết thì đã say khướt mất rồi, ý cậu là thế chứ gì?

– Không, tôi nói nghiêm túc đấy – Gã nâng ly lên – Tôi chưa say đâu, uống tiếp đi! Nào uống!

Gã nốc cạn chẳng thèm đợi tôi nữa. Tôi bắt đầu lo, cứ đà này, khéo mà gã nôn ra mặt quầy mất. Tôi rót thêm soda vào ly của gã.

– Nếu mọi chuyện khác đi, giờ này có lẽ tôi đã có một đứa con – Gã tiếp tục nói – Có khi còn là con trai nữa, nếu mà như thế thì bây giờ nó đã được mấy tháng tuổi rồi ấy chứ.

– Thế chuyện gì xảy ra vậy?

– Sảy thai.

Tôi im lặng, chẳng biết nói gì nữa.

– Lỗi là tại tôi. Anh cũng biết đấy, như mọi người, tôi không bao giờ có ý định lấy con bé ấy, lấy gái nhảy à, tôi chưa điên, tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Tôi bảo nó đi phá thai, nhưng nó muốn giữ lại, muốn có con với tôi, không cần lấy nhau. Lẽ ra tôi… tôi…

Gã bỗng nghẹn lời, không thể nói được thêm nữa. Tôi vỗ vỗ vai gã an ủi: “Cậu còn trẻ hơn cả tôi cơ mà, lo gì, rồi còn khối đàn bà sẵn sàng đẻ cho cậu cả tá con giai con gái ấy chứ…”

– Không đâu! – Gã nói – Anh không hiểu đâu, lỗi là tại tôi, tôi không thể kể ra được, chuyện thật đáng khinh, anh chỉ cần biết nguyên nhân là vì tôi, chính tôi là nguyên nhân gián tiếp khiến cái thai bị sảy, dù sao đi nữa, vẫn là lỗi ở tôi, sau đấy nó như người vô hồn, con bé Ly ấy, rồi một hôm nó bỏ đi, tôi không biết nó đi đâu nữa, khi tôi về không thấy nó ở nhà, một vài ngày chờ đợi không thấy, rồi cả tháng, đến nay là cả năm trời biệt tăm.

– Không có điện thoại à?

– Từ ngày nghỉ ở nhà, nó không dùng điện thoại nữa.

– Về quê tìm thử chưa?

– Tôi không biết địa chỉ. Mà có ích gì đâu. Tôi cũng sắp đi rồi.

– Đi đâu?

– Đi xa luôn – Gã cười nhạt – Tháng trước thấy đau quá mới đi khám, làm xét nghiệm, hóa ra là sắp toi rồi, may lắm thì tôi sống thêm được hai tháng nữa.

– Thật à? – Tôi hỏi lại.

– Anh nghĩ chuyện này đùa được sao?

– Thế bệnh gì vậy?

– Bệnh gì chẳng quan trọng – Gã nâng ly – Nào uống mừng sức khỏe nào! Ha ha ha! Mừng sức khỏe sắp cạn như cái ly này nhé! Tôi hỏi anh một câu, chân tình đấy, đã bao giờ anh tự hỏi mục đích của anh là gì chưa? Tại sao anh làm công việc này? Anh kiếm tiền để làm gì? Anh tán gái, anh ngủ với gái để làm gì? Hãy nghĩ đi! Suy cho cùng thì tất cả để làm gì, nếu anh biết ngày mai anh sẽ chết?

Hầu như tất cả khách khứa trong quán bỗng dưng im bặt, họ nhìn chúng tôi chòng chọc. Một bầu không khí nặng nề bao trùm, ngay cả tiếng hát Khánh Ly cũng trở nên sống sượng.

– Thế nên – Gã nói tiếp, rất to, không ý thức được điều đó – Th
nên ban nãy tôi đã khuyên anh ngay ngày mai, hãy lấy vợ, sinh con đẻ cái như những người bình thường, trước khi quá muộn, như tôi đây này, ai mà biết được. Suốt tuần nay, tôi xem lại số tiền gửi trong ngân hàng gom góp được bấy lâu, cũng kha khá đấy, xem sẽ làm gì với nó. Để chữa bệnh thì không đủ, mà cũng vô phương cứu chữa rồi. Để mua một đứa con à? Tại sao không chứ? Tôi thử ướm hỏi mấy con “hàng” mà tôi quản lý, chúng nó sẵn sàng ngủ với tôi, nhưng chẳng một đứa nào muốn sinh con cho tôi cả, ngay cả khi tôi hứa sẽ cho tiền rồi cưới xin đàng hoàng, miễn là từ giờ đến lúc tôi chết chịu có thai với tôi. Vậy mà chẳng một đứa nào chịu. Thế đấy, nếu mọi chuyện khác đi, nếu tôi không cư xử khốn nạn như thế, có lẽ cái con “hàng” ấy đã sinh cho tôi một đứa con, nếu như thế thì bây giờ tôi có chết cũng nhắm mắt được rồi. Lẽ ra nó không nên ngu ngốc như thế. Dính vào tôi là ngu rồi, tôi là thằng chẳng ra gì. Lẽ ra nó không nên tận tụy hầu hạ tôi như thế, không cần phải nhẫn nhục như thế… Anh công nhận không?

– Cậu say rồi! – Tôi nói – Để tôi kêu tắc xi cho cậu.

– Chưa say đâu – Gã lè nhè rút ví trút hết tiền ra quầy bar – Phải uống hết chai rượu này đã chứ? Uống hết cả tủ rượu này luôn.

– Cứ treo cổ để đấy – Tôi nói – Mai ta uống tiếp.

– Ngày mai có khi tôi chết rồi – Gã cười.

Mặc cho gã phản đối, tôi dìu gã ra tắc xi. Trời vẫn mưa sụt sùi, ngoài đường lạnh cóng. Trước khi xe chạy, gã tóm lấy tay tôi thì thào bằng cái giọng đã líu cả lưỡi: “Nhớ nhé, ngày mai anh lấy vợ đi, kẻo lại quá muộn…” – Đôi mắt gã khi đó hầu như đã đờ đẫn vì men rượu, sũng nước, cả gò má cũng ướt. Không rõ gã đã khóc, hay là những hạt mưa. Xe chạy, tôi nhìn theo cái màu đỏ đèn hậu chiếc xe cho đến khi nó biến mất trong làn mưa.

Gã không bao giờ trở lại uống nốt chai rượu dở ấy nữa.

Vài năm sau tôi nhượng lại quán, lấy vợ, sinh con. Đôi khi, vào những hôm mưa gió lạnh lẽo, tôi cũng thoáng băn khoăn tự hỏi không biết rốt cuộc số phận của gã Don Juan ấy thực sự ra sao, người tình hờ của gã nữa, nếu cô ta còn sống thì bây giờ thế nào. Tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện bên quầy rượu, những chuyện oái oăm và phét lác cũng nhiều.

Nhưng có lẽ trước khi chết, người ta luôn nói thật.

Hết.

Nhận xét của Trần Nhã Thụy:

Trước hết, phải nói rằng Đặng Thiều Quang, gần đây đã “lãnh hội” được một lối viết “như không” ở những điều tưởng chừng rất hệ trọng. Như không, như đùa chơi, thậm chí dửng dưng… đó cũng là giọng điệu của truyện ngắn này.

Nhớ lại một buổi tối mùa đông gió

mưa sụt sùi. Bối cảnh là một quán bar vắng khách. Một anh chàng Don Juan rũ nước mưa bước vào với đôi mắt trống không. Và anh ta uống. Tâm trạng khi say khiến những điều anh ta nói trở nên khả tín. Dù rằng chúng ta vẫn thường cảnh báo là hơi đâu nghe lời kẻ say rượu. Nhưng cái mà chúng ta tìm thấy ở đây không hẳn là sự thật của câu chuyện mà chính là bản nguyên của ý nghĩ.

…”Ngay ngày mai, hãy lấy một em nào đấy tàm tạm, bình thường, sinh con đẻ cái, như mọi người bình thường”… Anh chàng Don Juan đó nói như vậy, bởi anh vừa mất một đứa con còn là bào thai, và bởi anh ta biết mình sắp chết vì bệnh hiểm nghèo. Có thể người say hay nói nhảm, nhưng người sắp chết thường nói thật. Và hết. Câu chuyện chấm dứt ở đó. Như một trích đoạn phim. Một chương tiểu thuyết dang dở. Để rồi khi bất chợt nghĩ về cuộc đời, giữa những mộng ước kỳ vĩ lẫn tiểu tiết đời thường, ta thấy đời là vô thường. Và, sống là không thể dự liệu. Song những dự cảm về cuộc sống khiến chúng ta luôn phải đối mặt với những vấn đề mang tính tồn sinh. Nụ cười hay nước mắt đều không xa lạ với mỗi con người.

Một truyện ngắn thành công của Đặng Thiều Quang.

Mở rộng Hà Nội

In Uncategorized on Tháng Năm 28, 2008 at 5:20 chiều

Tối qua 28/05/08 trên VTV1 có cái tọa đàm “Mở rộng Hà Nội – Quyết định cho tương lai” xoay quanh chuyện mở rộng thủ đô Hà Nội, không phải truyền hình trực tiếp. Chắc sáng nay sẽ phát lại, bạn nào quan tâm thì xem lại lịch của nhà đài.

Khách mời tham gia bàn tròn:
– Trần Ngọc Chính, thứ trưởng Bộ XD.
– Hoàng Hữu Phê, TGĐ cty tư vấn XD Vinaconex R&D.
– Ngô Trung Hải, thạc sĩ, kts, phó chủ nhiệm đề án quy hoạch mở rộng thủ đô HN.
Bật tivi lên thì đã chiếu được một lát, nhưng kịch bản không có gì lạ, tọa đàm bàn tròn gì mà khách mời toàn cùng phe nhau cả. Có trích ý kiến phản biện của một số đại biểu quốc hội, thậm chí MC còn nhắc đến “một số ý kiến trên mạng” (chắc là nhắc đến các bạn tathy đây)
Phần sau thì dễ đoán ra, các anh định hướng dư luận, rằng nhất trí là cần phải thông qua sớm. MC vẫn cố chêm thêm một câu đại loại “chúng tôi không định hướng các bạn, tự các bạn …”

Chủ đề này các bạn trên tathy bức xúc ở TOPIC HOÀNH TRÁNG NÀY lâu rồi. Mình thì chả bức xúc mấy, vì còn mải lo những vấn đề sát sườn và cá nhân hơn. Bức xúc chỉ là một thứ cảm xúc.
Tuy nhiên thực tế là cái chuyện hoành tráng ấy, lại là vấn đề sát sườn của hầu hết mọi công dân cái đất nước này. Là tương lai chúng mình và con cháu chút chít chúng mình. Bây giờ chúng mình chỉ còn chờ xem kịch hạ màn.
Cách đây hơn sáu năm, mình có viết trong Chương 10 cuốn tiểu thuyết Chờ tuyết rơi – Sẽ trích một đoạn dưới đây – Trong đó nhân vật Dần suy nghĩ về cái nghề nghiệp kiến trúc sư của hắn.
Hóa ra mình cũng có chút khả năng tiên tri, hoặc ít ra cũng đã có cái cảm giác mà bây giờ các nhà làm chính sách và quy hoạch phải đối mặt, hy vọng là thế, rằng họ có một chút hổ thẹn cho những gì mà họ phải làm. Tất nhiên chúng mình vẫn còn có một hy vọng khác nữa, mong manh hơn, rằng những quyết định vội vã này đều là đúng đắn. Còn lựa chọn của nhân dân ư? Nhân dân làm đéo gì có lựa chọn, nói thế cho nhanh!
Thôi, bây giờ thì hãy xem hồi đó, AQ đã nói như thế nào! @_lão Nietzsche bỏ mẹ nào đấy.
(AQ là Anh Quang, không phải AQ chính truyện nhá!)
…Vậy thì đâu là cái bánh mà người ta vẽ ra cho chúng tôi? Không ai nhìn thấy cả. Và chúng tôi cũng không tin vào chủ nghĩa hưởng thụ. Chúng tôi cần một lý do rõ ràng hơn, chính đáng hơn, về cái thế giới nhập nhằng này, nhất là về nghề nghiệp và thân phận chúng tôi.

Chẳng ai trả lời cả, chẳng ai quan tâm. Và chúng tôi cứ thế trôi đi, kiếm tiền, hưởng thụ, trở nên sa đọa và tuột dốc lúc nào không hay. Chẳng có tình yêu, không tài sản, không địa vị, không niềm tin, chúng tôi cố gắng giữ cho nhau một chút tỉnh táo để nghe và không nghe theo những gì họ nói, và hơi thở của thời cuộc, một cái gì đó rõ ràng là có thật mà lại không thể nắm bắt được, nó sa đọa và thối nát từ bên trong, nhưng nó mạnh mẽ. Nó như sự cần lao của những lớp người khác nhau, bủa vây và quay tít mọi nẻo đường thành phố, khu buôn bán, khu sản xuất, khu ăn chơi… Dẫu sao, vẫn phải lao động chứ. Hàng hóa ngày càng rẻ và tràn ngập đường phố, nhiều đường phố được cải tạo hạ tầng, quy hoạch được triển khai chi tiết theo ý đồ hoạch định tổng thể, trong đó lý thuyết về cuộc sống xem ra rất phức tạp, nhưng nó vẫn có lý (!) Thật là ngạc nhiên! Khi mà chúng tôi xem xét những dự án khổng lồ ấy, những khu đô thị mới và cũ, nó thật lãng mạn, cho vài triệu con người. Tôi và Thomas Trần phụ trách một phần cái dự án khủng khiếp ấy. Chỉ bằng vài nét mực can, chúng tôi đã có thể xóa sổ cả một bệnh viện mà lẽ ra nó có thể ở đó, thay bằng một cái nhà máy lắp ráp vô tuyến, mà họ bảo là nó phải ở đó. Chúng tôi không mơ màng, chúng tôi thực sự phải tìm hiểu một khu đô thị mới sẽ được xây dựng, mà lý thuyết về nó, cái dự đoán về sự phát triển của nó thật tuyệt vời biết bao, kiến trúc sư trưởng nói, với cả một sự khôn ngoan dè dặt, về một viễn cảnh không xa, có thể dự đoán sự phức tạp và mạnh mẽ của nó. Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng các thống kê và điều tra xã hội học, bằng dư luận, về các khả năng. Họ tiến hành khảo sát không ngừng và nguồn vốn đã được huy động.

Họ bắt đầu tạo dựng một trật tự kiểu mới.

Anh tự hỏi có gì sai trong đó? Tôi không biết. Nếu biết, tôi không viết. Nó đúng đắn và hợp lý, rất tự nhiên, một thành phố đã và sẽ là nó. Một trật tự đã và sẽ tự biến đổi, không có dự đoán, không lối thoát. Luôn luôn là những cố gắng giải quyết những hậu quả nó để lại, và cái đấy người ta gọi là lối thoát.

Tôi nhận ra điều ấy từ từ, từng ngày, từng ngày. Chúng tôi thấy bất lực. Tôi bỏ cuộc. Thomas Trần ở lại. Tôi không muốn tham gia vào cái việc mà tôi không thể, là ước đoán mơ hồ cái khả năng, mơ ước, quyền sống, hạnh phúc hay khổ đau, của vài triệu con người ấy, dù với bất cứ lý do nào, tôi không thể làm cái việc quá khả năng của tôi, bằng sự ngu dốt của tôi và sự áp đặt của những kẻ ngu dốt khác. Càng làm việc tôi càng thấy bất lực và khó thở, tôi thấy thân phận tôi, sẽ như hàng triệu người khác, mẫn cán, bị bào mòn, trở thành những thành phẩm như bàn ghế, cửa sổ, tủ giường, chứ ch
ng còn được là một cái cây, một khúc gỗ nữa, nói chi đến gốc rễ và cành lá. Tôi cần phải thở, tự do, như một cái cây, như muông thú, nếu tôi quay về rừng, ở đây.

Và rồi sao nữa? Tôi không biết, tự nó sẽ đến, khi tôi tìm được cách biện minh cho những gì tôi sẽ làm và tin tưởng, khi tôi đủ tin vào sự bớt ngu dốt của tôi và chịu trách nhiệm về cái mà tôi sẽ. Không, tôi không nói chỉ riêng về văn chương, hội họa hay nghệ thuật, mà tôi vốn nghĩ nó khá vô hại và tự do, chỉ liên quan đến một cá nhân mà người ta có thể thích hay không thích cái mà anh ta làm ra, tôi đang nói về chính tôi, với chính tôi, với một người bạn vô hình, là người sẽ đọc những dòng này, chính là anh đấy anh bạn, và cả cô nữa, một người xa lạ, mà nãy giờ tôi vẫn đang trò chuyện. Đừng hỏi tại sao và đừng trả lời, vì nó sẽ trôi tuột đi ý nghĩa của chính nó ngay tức thời, người ta không cần lý do để sống, để làm cái này hay cái khác, đừng bắt họ trả lời, vì họ không biết, họ sẽ nói dối một cách thật lòng, những lý do vớ vẩn, về cái mà họ nghĩ họ là, cái họ làm, và cái mà họ muốn trở thành, trong một thế giới có quá nhiều hình mẫu này, mọi cái đều là có thể và đều có thể được chấp nhận, sự trở lại của phép màu, những điều siêu thực, phim ảnh, văn học, truyện tranh, hội họa, và cả triết học nữa. Vậy cái biện chứng của đời sống này còn ý nghĩa gì không? Vậy thì cái mà tôi muốn là phép màu hay là thực tế? Là sự thấu hiểu điều đúng và điều sai, điều không thể phân định. Cái có thể và không thể và cái nằm ngoài nó. Rồi sao nữa? Phải buộc chọn lấy một thái độ, trở nên thực tế và bên trong vẫn là một tay mơ, vẫn chờ đợi một phép màu có thể biến cải cuộc sống và quay ngược đồng hồ.

PS: Mình không tin lắm vào cái trưng cầu dân ý của vnexpress, mình cũng ghét bị spam. Nhưng lạ cái lần này không thấy bạn nào spam kêu gọi vote nhỉ? Mình thì mình không ủng hộ thông qua một đề án vội vã như vậy.

Bây giờ, hoành tráng dân chủ chả kém gì VnExpress, mình cũng trưng cầu ý kiến các bạn!

Bài học ở trong bếp

In Uncategorized on Tháng Năm 23, 2008 at 9:58 sáng

– Viết văn là một công việc kinh khủng! – Tay nhà văn nói – Bây giờ thì các người sẽ biết nó là như thế nào, thực sự.

– Thì ông bạn đã bắt tôi phải làm việc đó rồi còn gì – Dần nói.

– Nhưng tôi thấy cũng đâu có gì khó lắm? – Tôi nói – Chẳng qua cũng giống như một buổi tường thuật, một bản báo cáo hay biên bản họp, có quái gì ghê gớm đâu?

Bọn họ quay sang nhìn tôi kỳ lạ, kể cả Link sexy, thậm chí cô ả còn có vẻ tỏ ra ngạc nhiên nhất. Tôi không hiểu Dần lôi cô ta về đây làm gì nữa. Tôi tưởng anh ta phải quay về Biển Hồ với cô nhân tình già của mình, như anh ta thề thốt sướt mướt lúc tưởng mình sắp chết đến nơi.

– Nào, giải quyết cho xong rồi đường ai nấy đi – Tay nhà văn họ Đặng sốt ruột.

– Tại sao ông bạn không viết một cách đơn giản? – Dần nói – Tại sao không kể một câu chuyện giản dị dễ hiểu. Chẳng ai đủ kiên nhẫn để đọc hết cái mớ hỗn độn tăm tối ấy.

– Tại sao ư? Bây giờ thì các người sẽ biết nó là như thế nào, thực sự – Tay nhà văn quay sang tôi cười khẩy và nhắc lại câu ban nãy – Tại sao tôi không thể tự hài lòng với một câu chuyện dễ dàng? Bởi vì nếu thế việc viết văn sẽ chẳng khác gì việc nhai lại của một con bò, nhai và nhai, trệu trạo. Tôi đã định kể chuyện theo cách thông thường, ban đầu nó là vậy, nhưng rồi tôi bắt đầu phải lựa chọn, phải nhập vai, trở thành một trong số các nhân vật, và cuối cùng là cả hai. Tôi trở thành Dần, rồi trở thành Tiểu Đăng, thậm chí có lúc nào đấy trong chốc lát biến thành Thomas Trần nữa.

– Lẽ ra, tôi nên ở lại với hình bóng giai nhân của tôi – Dần nói chen ngang vào – Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải rời bỏ nàng, một khi mà tôi đã yêu bóng hình ấy, ngay từ khi mới mười bốn tuổi. Tôi không thể quên những ngày tháng say đắm bên nhau ở Biển Hồ. Tôi không thích thú gì công việc viết văn, vậy mà ông bạn gán cho tôi cái công việc ấy, lại còn viết truyện khiêu dâm ba xu nữa chứ, thật là kinh tởm!

– Ngấy quá đi! – Link sexy chua thêm vào – Chả hiểu các anh nói chuyện gì nữa. Thật là ngấy quá đi!

– Không hiểu gì thì ngậm cái mồm lại! – Dần làu bàu.

– Shit! – Cô ả giãy nảy – Tôi thích nói gì thì nói chứ?

– Cậu cho cô ả này biến đi! – Tay nhà văn nhìn tôi nói – Bây giờ câu chuyện là của cậu mà.

– Thôi được – Tôi nói – Tôi sẽ sử dụng cái quyền ấy, quyền được loại bỏ những thứ rườm rà khỏi câu chuyện của mình, bởi vì ở đây tôi là người kể chuyện. Xin lỗi nhé Link sexy! Em biến đi cho bọn anh nhờ!

Thế là, ngay tức thì, cô ả biến mất. Chỉ còn lại ba chúng tôi trong căn phòng. Chẳng ai trong số chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên gì cả, bởi chúng tôi đều hiểu rằng trong một cuốn tiểu thuyết, tác giả có thể cho tất cả các nhân vật biến mất cùng một lúc, trừ nhân vật chính. Tất nhiên, bạn sẽ khó mà nuốt nổi một bộ phim mà ngay từ đầu phim, nhân vật chính đã ngỏm củ tỏi.

– Tại sao lại có nhân vật Link sexy? – Dần hỏi tay nhà văn – Ý tôi là nhân vật này có ý nghĩa gì trong câu chuyện mà anh đã kể?

– Chả ý nghĩa gì cả, cô ta tự dưng xuất hiện, chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của cậu, thế thôi. Chả phải cậu đã rất hài lòng đó sao?

– Nhưng như thế sẽ khiến độc giả thất vọng – Tôi nói – Độc giả thì vẫn đang hy vọng vào một mối tình đẹp đẽ của nhân vật chính với Virgin, hoặc là với Mai, họ thích cái Đẹp, họ thích sự hoàn hảo và duy nhất, họ không thích cái kiểu ăn tạp của Dần như thế. Cậu có phải một gã ăn tạp không hả Dần?

Dần không trả lời ngay, anh ta nhún vai tỏ vẻ chán nản, sau đó rút một điếu thuốc ra châm. Thú thực là tôi không còn nhận ra người bạn thân năm xưa nữa, anh ta trông như một ông già ba mươi tư tuổi, vẻ mệt mỏi hằn trên khóe miệng, điếu thuốc trễ nải trên môi. Còn đôi mắt u tối và đầy vẻ chế giễu, như thể tất cả những gì xảy ra trên đời này đều là ngu ngốc và nực cười vậy.

Hồi sinh viên, anh ta có một sức hấp dẫn kỳ lạ, với khả năng văn thơ, ca hát, đặc biệt là khả năng lôi cuốn đám đông. Chính vì thế căn hộ của anh ta luôn ồn ào náo nhiệt đủ các thành phần, đó là các nhà văn, nhà thơ trẻ, họa sĩ, các sinh viên lưu ban và bỏ học. Thôi thì đủ loại. Tôi còn nhớ đó là căn hộ số 402A6 – Gần giống như căn hộ số 2046 bây giờ của anh ta. Về sau này, nghe nói căn hộ 402A6 đó đã bị phá đi, toàn bộ khu nhà đó bị phá bỏ để xây khu đô thị mới.

Khi đó tôi giống như một bản sao của anh ta vậy, nhưng tôi không lấy làm buồn về chuyện đó, thậm chí còn hãnh diện vì có một thủ lĩnh tinh thần như thế là đằng khác. Những kẻ giống như tôi khá nhiều, luôn tụ tập vây quanh anh ta, chờ đợi được dẫn dắt và sai khiến.

Thoạt tiên Ly không hề để ý đến tôi, cô ấy chỉ tìm cách gây chú ý với Dần. Dù sao, tôi cũng chẳng có gì nổi bật. Hôm đó cô ấy đến cùng một cô bạn nữa, khá xinh. Dần đệm đàn ghi ta, hai cô gái hát, còn tôi lụi cụi đun nước pha trà và đi mua thuốc lá. Tôi chỉ là một cái bóng mờ nhạt.

Nhưng thôi, chuyện đó xưa rồi.

Tôi đoán là các bạn đã khá mệt mỏi với câu chuyện dông dài vô nghĩa của tôi. Vì thế, tôi sẽ đổi chủ đề. Thực ra các bạn không cần biết chuyện bếp núc văn chương, phải không nào? Các bạn chỉ là những thực khách đang đói bụng, mối quan tâm lớn nhất của các bạn là thức ăn, chỉ thức ăn mà thôi.

Vậy đấy, hóa ra là tôi đang giải thích tại sao tôi lại nấu ăn dở như thế.

(còn nữa…)

Đây gần như là một trong chuỗi truyện ngắn theo mạch cảm hứng từ Bóng giai nhân. Bạn có thể đọc từng phần hoặc toàn bộ, không nhất thiết phải đọc theo trình tự nào cả, nó chỉ là những bài học nho nhỏ. Ngay cả khi nó là một câu chuyện, thì nó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc, như các nhân vật tiểu thuyết, chúng không kết thúc ở trang cuối.

Các bạn có thể đọc thêm phần dị bản Ở ĐÂY – Tuy nhiên, cảnh báo trước là những bạn dưới 18 tuổi tâm hồn ngây thơ trong trắng không nên đọc dị bản này, bởi vì có thể những tâm hồn trong trắng đó sẽ bị shock khi đọc và tuổi thơ êm đềm của các bạn sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về.

Các phần khác trong chuỗi truyện theo motif này:

Nhân vật tiểu thuyết

Nhân vật tiểu thuyết 2

Bài học trong thang máy

2046

Bài học ở trong bếp

Như thường lệ, sẽ có vài lựa chọn cho các bạn:
Không cần mô tả chuyện bếp núc văn chương

0

Có chứ, xem có phải là đầu bếp quên muối nên nó mới nhạt nhẽo như thế

3

Ý kiến khác

2


Sign in to vote

2046

In Uncategorized on Tháng Năm 20, 2008 at 10:29 sáng

– Bài học rút ra trong thang máy là gì? – Dần quay sang Link sexy hỏi.

– Em không biết gì đâu nha, honey đừng hỏi em – Cô ả õng ẹo.

– Không nên chửi người già trong thang máy – Dần nói – Ngay cả khi bà ta câm điếc.

– Chả có bài học nào hết! – Tôi lẩm bẩm.

Dần xoay lưng bước về phía một cánh cửa gỗ gắn tấm biển nhỏ đề số 2046. Anh ta lật tấm thảm trước cửa lấy chìa khóa tra vào ổ, chẳng có vẻ gì sợ lộ chỗ cất giấu. Cũng có thể anh ta quá sợ hãi khi phải mang theo một hành trang nào đó, ngay cả khi đó chỉ là một chiếc chìa khóa tí xíu. Hoặc là căn hộ của anh ta trống trơn.

– Không đợi tay nhà văn à? – Tôi hỏi.

– Không cần, hắn sẽ quay lại nhanh thôi, hắn biết rõ tôi ở phòng nào mà.

Link sexy nháy mắt với tôi, rồi chui tọt vào cánh cửa đó, tôi cũng bước theo.

Hóa ra đó là một căn hộ rộng mênh mông, với vô số cửa sổ, và đủ thứ đồ vật kỳ quái. Những cuốn sách vứt la liệt khắp nơi, những bộ xương đầu thú, vài con chim nhồi bông, máy tính, mô hình tàu thủy máy bay treo lủng lẳng…

– Cậu có vẻ giống một tay đồng nát nhỉ! – Tôi nhận xét.

– Đấy là còn ít đấy – Anh ta nói – Mỗi lần chuyển nhà tôi phải vứt bỏ lại vô số thứ hay ho.

– Cô ta đâu? – Tôi hỏi.

– Ai cơ?

– Vợ cậu ấy.

– Tôi không biết, khi tôi trở về đây, không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ tôi đã từng sống chung với một ai đó ở đây. Căn hộ này đã được tôi trả tiền thuê trước cho hai năm, nó vẫn nguyên xi khi tôi trở về. Có lẽ đó chỉ là một nhầm lẫn của tay nhà văn, một sự bất cẩn. Cậu biết đấy, tôi không thích ràng buộc với phụ nữ. Tôi trả tiền để ngủ với họ, thế thôi.

– Cậu có trả tiền cho Ly đâu – Tôi nói bâng quơ và bước về phía cửa sổ. Đúng là từ đây, qua ô cửa sổ, có thể thấy phía dưới kia thành phố là một công trường lớn hỗn độn xây dựng dang dở, bụi mù. Tôi chợt thấy trong tim nhói đau. Tôi nghĩ đến Lão Nhai, cũng giống như thế, cũng là một công trường dang dở, và tôi nghĩ đến Ly, tôi nghĩ đến Thomas Trần. Có thể giờ này bọn họ đang cười vào mũi tôi.

Có tiếng mở cửa, tôi quay lại, tay nhà văn xuất hiện ở cửa, trông còn tệ hơn một xác chết, hắn bước vào phòng, tay vẫn lăm lăm khẩu súng.

– Tôi đã làm gì vậy? – Hắn ta kêu lên – Tôi vừa làm một chuyện kinh khủng!

– Cảm giác thế nào? – Dần cười nhạt – Lúc bóp cò ấy, một khoái cảm tột cùng, đúng không nào?

– Nhưng tại sao nhất quyết cứ phải giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực?

– Chả sao cả! – Dần nhún vai – Bây giờ thì ông bạn hiểu cảm giác của tôi khi phải làm chuyện đó rồi chứ? Bây giờ coi như hòa cả làng. Mà thực ra không có một ai chứng kiến chúng ta giết người, nếu có như thế đi nữa, không một ai. Vậy thì quan trọng gì đâu? Chúng tôi nghe thấy tiếng súng, chỉ thế thôi. Ngay cả khi nếu có chuyện đó đi nữa, thì sao nào? Chúng ta không làm gì hơn là siết cò súng, nó chẳng khác gì động tác chúng ta với tay bật công tắc đèn, rồi công tắc chập mạch, xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn chẳng hạn, có vài kẻ xấu số chết cháy, cùng lắm thì gọi là ngộ sát.

– Nhưng mà… – Tay nhà văn ấp úng.

– Không có nhưng gì hết, khi là nhà văn, ông bạn có thể khai tử bất cứ nhân vật nào, chả cần lý do gì hết – Dần ngắt lời – Có khác gì nhau việc một thằng ất ơ nào đấy bị bắn chỉ vì chửi một bà già trong thang máy, với một vụ tai nạn xe hơi mà ông tạo ra cho ông bạn Tiểu Đăng của tôi đây? – Anh ta chỉ vào tôi.

– Tôi không tạo ra chuyện đó, bởi vì đó là một âm mưu của Thomas Trần và Ly để chiếm đoạt trọn cái công ty của Tiểu Đăng, tôi tin là như thế – Tay nhà văn nói, rồi quay về phía tôi nhún vai – Rất tiếc phải nói ra, nhưng tôi cũng tin rằng họ là nhân tình, khá lâu rồi.

– À, ngạc nhiên nhỉ! Sao anh không nói rõ chuyện này? – Dần cười nhạt.

– Tôi chỉ nhận ra điều đó khi viết đến phần kết, mà sau đó mọi chuyện xảy ra quá nhanh, anh bắt đầu trở nên không thể kiểm soát. Và anh biết đấy, chính anh đã kết thúc câu chuyện, không phải tôi.

– Cậu thấy chưa? – Dần quay sang tôi – Bây giờ ông bạn này lại đổ hết tội lỗi cho chúng ta về cuốn sách của hắn. Hài hước thật!

– Đó là sự thật! – Tay nhà văn ủ rũ – Tôi đã thất bại vào thời điểm quan trọng nhất, khi mọi thứ dường như sắp bùng nổ, đó là thời điểm kết thúc một câu chuyện, khi nó đi quá xa. Tôi xin lỗi!

Bỗng dưng không một ai nói gì thêm nữa. Dường như tôi đã thở dài. Không phải chuyện về cái cách mà cuốn sách kết thúc. Tôi buồn vì cuối cùng có lẽ điều đáng sợ ấy là sự thật, vợ tôi, và đứa con gái kia không phải của tôi. Có thể đó là con của Dần, cũng có thể là của Thomas Trần, ai mà biết được.

Khi chúng tôi cưới nhau và chân ướt chân ráo về Lão Nhai, sau khi tốt nghiệp, Thomas Trần đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi cùng thành lập công ty, cùng nhau chung lưng đấu cật để cố gắng cạnh tranh với một số đơn vị tư vấn khác được hậu thuẫn bởi Sở xây dựng của Lão Nhai, mà thực chất nó chính là doanh nghiệp sân sau của bọn họ, các quan chức trong ngành xây dựng, Sở kế hoạch đầu tư, và vô số các quan hệ với các quan chức lớn bé khác trong tỉnh. Thành phố mới thành lập, quá nhiều việc, quá nhiều dự án xây dựng, miếng bánh quá to, và họ không thể ngoạm hết. Ban đầu chúng tôi nhặt nhạnh những miếng bánh rơi vãi nho nhỏ, và rồi dần dần họ thấy rằng tốt hơn hết là cứ giao cả miếng bánh to cho chúng tôi, tự khắc chúng tôi sẽ cắt phần lại cho họ, vậy là tất cả đều vui vẻ, họ chẳng phải làm gì cả, chỉ đớp thôi.

Nhưng ở đời bao giờ cũng thế, vài năm sau, khi chúng tôi bắt đầu thành công, thì cũng là lúc rạn nứt quan hệ, bởi những vấn đề về quyền lợi, và cả những cạnh tranh ngấm ngầm trong việc gây ảnh hưởng đến từng nhân viên trong công ty nữa, mặc dù lúc tỉnh táo suy xét lại thì chúng tôi đều thấy việc đó thật là ngu ngốc. Khi mọi chuyện mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm bằng những cuộc cãi vã đập bàn đập ghế, Thomas Trần ra đi, để lại hai mươi phần trăm cổ phần trong công ty, và tôi đã cố gắng sòng phẳng với anh ta trong việc chia chác lợi nhuận những năm sau này.

Anh ta mở một công ty mới, chúng tôi tránh dẫm chân nhau trong các phi vụ làm ăn. Việc này quả thật rất khó, bởi Lão Nhai sau những năm đầu xây dựng ồ ạt thì bắt đầu chững lại, mặt khác chính sách nhà nước về quản lý nguồn vốn ngân sách bắt đầu chặt chẽ
hơn, các quan tham thì mỗi ngày lại đòi phần lớn hơn nữa, Lão Nhai lại trở thành một khu rừng quá nhỏ bé cho hai con hổ săn mồi. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng hết sức tránh đối đầu, và cả anh ta cũng thế.

Vợ tôi vẫn qua lại với vợ cũ của anh ta, cô bác sĩ tâm lý Chả Sất ấy, tôi có nghe ì xèo về chuyện vợ tôi có vấn đề gì đó về tâm lý. Cũng dễ hiểu thôi, giữa chúng tôi hay có những chuyện không vui vẻ. Dường như Ly chưa từng bao giờ hài lòng với cuộc sống ở nơi đây, cô ấy luôn ở một thế giới khác, ngay lúc nghèo khó cũng như khi đã khá giả. Còn tôi, không rõ nữa, tôi cố gắng đến nơi nào mà người ta cần tôi. Hình như chưa bao giờ Ly thực sự cần tôi. Một ngày nọ, tôi cảm thấy chán nản trong việc lẽo đẽo phục vụ tính nết thất thường của cô ấy. Đó là một ngày nào đó, tôi không nhớ nữa, nhưng đó mới là ngày mà tôi chết, có lẽ thế, chứ không phải cái ngày mà chiếc xe rơi xuống vực.

Thiên hạ luôn độc mồm, họ cũng thêu dệt chuyện vợ tôi có gì đó với Thomas Trần, nhưng tôi không tin. Nếu có chuyện đó, hẳn là cô bác sĩ tâm lý Chả Sất kia phải là người đầu tiên nhận ra, và họ phải trở thành kẻ thù của nhau. Đằng này tôi lại thấy họ rất thân nhau.

Còn về Dần, quả thật tôi đã nghĩ đến anh ta, một lúc nào đó. Nhưng tôi không trách cứ anh ta, sau tất cả những gì mà anh đã làm. Chúng tôi từng là bạn thân.

Thậm chí cả Thomas Trần cũng từng là một người rất thân với tôi, như đồng phạm trong những tội ác, như người anh, đôi khi như người cha. Quả thế, tôi vốn thiếu thốn tình cảm, cha tôi đã bỏ rơi mẹ con tôi suốt những năm chiến tranh. Không biết tôi có thể tha thứ cho ông ấy về điều đó nữa hay không, ngay cả bây giờ, khi ông ấy đã chết, và khi tôi cũng đã chết. Chiếc đồng hồ mạ vàng mà ông ấy tặng tôi hồi sinh viên, trước khi ông ấy chết, tôi đã luôn đeo chiếc đồng hồ trên tay, cả khi đi ngủ, và khi nó hỏng tôi cất giữ nó cẩn thận.

Bọn họ lại nói chuyện với nhau gì đó, nhưng tôi không còn nghe thấy điều gì nữa, tôi đã quá chán nản với tất cả những điều này. Có lẽ, theo gợi ý của một anh bạn, tôi sẽ chộp lấy khẩu súng kia và cho bọn họ mỗi người một viên vào đầu, rồi sẽ đến lượt tôi, nhanh thôi, khi đó câu chuyện sẽ kết thúc thực sự.

(còn nữa…)

Đây gần như là một trong chuỗi truyện ngắn theo mạch cảm hứng từ Bóng giai nhân. Bạn có thể đọc từng phần hoặc toàn bộ, không nhất thiết phải đọc theo trình tự nào cả, nó chỉ là những bài học nho nhỏ. Ngay cả khi nó là một câu chuyện, thì nó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc, như các nhân vật tiểu thuyết, chúng không kết thúc ở trang cuối.

Các bạn có thể đọc thêm phần dị bản Ở ĐÂY – Tuy nhiên, cảnh báo trước là những bạn dưới 18 tuổi tâm hồn ngây thơ trong trắng không nên đọc dị bản này, bởi vì có thể những tâm hồn trong trắng đó sẽ bị shock khi đọc và tuổi thơ êm đềm của các bạn sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về.

Các phần khác trong chuỗi truyện theo motif này:

Nhân vật tiểu thuyết

Nhân vật tiểu thuyết 2

Bài học trong thang máy

2046

Bài học rút ra là gì?
Không nên viết tiểu thuyết khi chưa đủ tuổi

3

Nếu đã trót viết, nên kết thúc nó trước khi các nhân vật nổi loạn

0

Không nên thả hai con hổ vào một khu rừng

0

Chả có bài học quái nào hết

1

Ý kiến khác (đề nghị comment nhiệt tình, nếu không nghỉ chơi luôn!)

0


Sign in to vote

Bài học trong thang máy

In Uncategorized on Tháng Năm 18, 2008 at 6:55 sáng

Chúng tôi bước vào thang máy, một cái thang máy xuất xứ Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam (tất nhiên, chả lẽ lắp ráp ở Mỹ?). Chúng tôi, nghĩa là có Dần, Link sexy, tay nhà văn họ Đặng, và cuối cùng là tôi – Trần Tiểu Đăng. Từ giờ trở đi tôi sẽ liên tục cảnh báo các bạn về chuyện đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng tôi đều là những nhân vật tiểu thuyết, điều này chẳng mấy hay ho gì cho một độc giả, thậm chí là rất bực mình. Cứ như thể bạn đang ngồi trong rạp xem một bộ phim lãng mạn, và có một tay hôi nách ngồi sau lưng, hắn vừa chóp chép nhai kẹo cao su, vừa đánh rắm, mùi bạc hà và hai cái mùi kinh khủng kia trộn lẫn vào nhau, đã thế gã lại còn liên tục bi bô rằng đây là một bộ phim nhạt nhẽo vớ vẩn, rằng đúng là chỉ trong phim mới có những chuyện vớ vẩn này mà thôi.

Bạn sẽ làm gì? Quay lại táng cho gã một cú? Đứng lên bỏ về? Thứ nhất là gã to con, mùi hôi nách cho biết là gã rất khỏe, và thứ hai, sự lỗ mãng bất lịch sự cũng cho thấy là gã không hề ngán bố con thằng nào. Thứ ba là nếu bỏ về thì phí mất toi tiền vé.

Thôi thì đằng nào cũng ở đây rồi, bạn chịu khó theo dõi nốt bộ phim, hoặc là lấy bỏng ngô nút vào hai lỗ tai vậy. Có một cách khác, đấy là bạn giả vờ đồng ý với gã hôi nách kia, cũng bắt đầu bi bô ầm ĩ, thậm chí còn to tiếng hơn gã, qua đó biết đâu gã sẽ nhận ra sự vô duyên của mình. Nhưng như thế thì còn ra thể thống gì nữa nhỉ? Cái rạp phim lúc đó sẽ giống như một cái chợ vỡ.

Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À, cái thang máy, phải rồi. Đó là một cái thang máy rẻ tiền. Chúng tôi bước vào đó, Dần bấm vào nút số 12B. Người ta tránh con số 13, thế nên có tầng 12A và 12B. Theo quy hoạch, khu vực này không được xây cao quá một độ cao nào đấy, cụ thể là mười ba tầng nhà nhân với ba mét, vị chi là ba mươi chín mét, cộng thêm với ba mét chiều cao phòng kỹ thuật thang máy là thành bốn mươi hai mét. Vậy tôi đoán ra rồi, khu vực này bị khống chế độ cao dưới bốn mươi lăm mét, bởi tôi sực nhớ ra tầng một họ luôn thiết kế cao bốn mét rưỡi, chưa kể thềm tam cấp cao hơn mặt đường đến gần một mét.

Các bạn sẽ tự hỏi tại sao tôi lại huyên thuyên về những thứ vớ vẩn này. Tôi quên nói rằng nghề của tôi là thiết kế nhà cửa, thói quen quan sát và đánh giá kiến trúc, nội thất, cảnh quan công trình, nó đã ngấm vào máu. Người ta gọi đấy là bệnh nghề nghiệp, đi đâu cũng ngó nghiêng lấm lét như một thằng trộm vậy.

Lại lan man rồi, quay lại với cái thang máy. Nói tóm lại, tôi muốn các bạn hiểu rằng đây là một cái thang máy rẻ tiền, trong một tòa nhà mười ba tầng dành cho dân cư bị giải tỏa ở đâu đó, gọi là khu tái định cư. Mỗi lần bước vào một cái thang máy như thế này, tôi luôn nghĩ có thể đây sẽ là lần cuối cùng. Ai mà biết được!

Trong một chốc lát, khi chiếc thang bắt đầu đi lên, tôi đã nghĩ đến tất cả những chuyện đó. Và cũng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, một sự im lặng nặng nề bao trùm, thậm chí nó át cả những tiếng rít khó hiểu của cái thang máy cà tàng, giống như bỗng chốc tôi bị chứng ù tai vậy. Bốn kẻ không hẳn xa lạ, không hẳn thân quen, tự dưng lại phải nhìn nhau thật gần, qua những tấm gương inox của buồng thang chật hẹp. Một cái gì đó phi lý và nực cười.

– Nói gì đi chứ! – Tôi lên tiếng – Sao bỗng dưng mọi người im lặng thế?

– Tôi đã nói quá nhiều rồi – Dần lên tiếng – Ông bạn nhà văn này bắt tôi nói lảm nhảm suốt cuốn sách vừa rồi còn gì.

Link sexy cười khúc khích, còn tay nhà văn im lặng nhún vai, mặt sưng lên. Ngay lúc đó thang máy dừng lại ở tầng năm, cửa mở ra, một bà già lọm khọm bước vào thang chậm chạp. Tất cả chúng tôi bất giác lùi lại nhường chỗ cho bà ta, riêng tay nhà văn tiến lên đỡ bà cụ vào.

– Cụ lên tầng mấy ạ? – Tôi hỏi – Cụ lên tầng mấy để con bấm cho cụ?

– …

– Cụ lên tầng mấy ạ? – Tôi gặng hỏi, trong khi bà ta vẫn cúi gằm mặt xuống im lặng. Có vẻ bà ta không hề nhìn thấy bọn tôi.

– Bà ấy bị điếc, đừng hỏi làm gì cho mất công! – Tay nhà văn nói rồi nhấn vào nút đóng cửa thang.

– Ông bạn có vẻ rành dân cư ở đây nhỉ? – Dần nói.

– Tôi đẻ ra bà ta mà lại, tất cả, kể cả các người nữa, quên rồi sao?

– Thế bà ta ở tầng nào? – Tôi hỏi.

– Chả tầng nào cả, bà ta cứ đi vào thang máy rồi lại đi ra, thế thôi, đôi khi người ta cứ đi mà chả có mục đích gì hết, giống như cuộc đời vậy.

– Lại triết lý với ám chỉ rồi! – Tôi nói.

Tay nhà văn nhún vai. Chiếc thang lại bắt đầu chuyển động. Bà già nghiêng nghiêng đầu lần lượt nhìn chúng tôi, giống như một con chim non trọc đầu đang run rẩy quan sát vậy. Cũng có thể bà ta giống như một mụ phù thủy trong truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Ý nghĩ đó làm tôi thoáng rùng mình, bà ta giấu táo xanh đỏ ở đâu nhỉ? Dần quay sang nhìn tôi.

– Có phải cậu đang nghĩ điều tôi đang nghĩ? – Anh ta hỏi.

– Anh cũng nghĩ điều tôi đang nghĩ sao? – Tôi hỏi lại.

– Đấy thực ra là ý nghĩ của tôi – Tay nhà văn nói.

– Vớ vẩn! – Tôi và Dần cùng nói.

Lúc đó thang máy lại dừng lại ở tầng thứ tám. Một gã thanh niên ăn mặc tề chỉnh ùa vào nhanh như một cơn gió, ngay khi cửa vừa mở ra, hắn va vào bà già, va vào Dần, va vào tất cả chúng tôi. Hắn huýt sáo vang lừng, theo giai điệu bài Tình ca của Hoàng Việt. Gã có vẻ yêu đời và đang phởn chí.

Gã bấm nút đóng cửa, nhưng cũng không bấm nút chọn tầng.

– Cậu lên tầng nào? – Tôi hỏi.

– Hắn không nghe thấy cậu nói gì đâu – Tay nhà văn đáp – Có nghe thấy đi nữa thì cũng không trả lời đâu, hắn đang vội.

– Hắn vội đi đâu? – Link sexy chen vào.

– Có trời mới biết được! – Tay nhà văn đáp – Có nhiều người luôn vội vã co cẳng chạy cho đến cuối cuộc đời, lúc nào họ cũng vội.

Tôi và Dần nhìn nhau lắc đầu. Bệnh nghiện triết lý vặt của tay nhà văn này hết thuốc chữa thật rồi. Chiếc thang máy lại tiếp tục hành trình lên tầng 12B. Bà già nghiêng ngó đầu nhìn gã thanh niên, hắn ta ngừng huýt sáo, trợn mắt nhìn lại bà ta.

– Nhìn gì vậy hả bà già câm điếc? Thích chết à? – Hắn quát.

– Đừng ăn nói với người già như thế chứ! – Tay nhà văn ôn tồn nói.

– Đằng nào bà già cũng có nghe thấy gì đâu – Hắn cười khẩy.

– Nhưng tôi nghe thấy.

– Ông nghe thấy thì sao hả? – Hắn sửng cồ – Ông thích kiếm chuyện à?

– Tôi thì không sao, nhưng cậu nghĩ trong thang máy này chỉ có tôi với c
u và bà già này sao? Cậu nghĩ ông giời không có mắt sao? Chưa kể có thể là còn có camera, thậm chí họ ghi cả tiếng nữa đấy.

Gã thanh niên nhìn quanh quất rồi cười hô hố lên, hắn không thấy camera quan sát, hắn không thấy bọn tôi – Các nhân vật tiểu thuyết. Hắn chỉ nhìn thấy tay nhà văn và bà già câm điếc.

Dần thở dài, anh ta móc khẩu súng ra đưa cho tay nhà văn rồi bảo: “Làm đi!”

Lúc ấy thang máy đã dừng lại ở tầng 12B, chúng tôi bước ra ngoài, khoanh tay đứng nhìn cảnh tượng trong buồng thang. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh.

– Quỳ xuống! – Tay nhà văn nói.

– Em, em… em xin lỗi!

– Tao bảo là quỳ xuống! Xin lỗi bà cụ ngay!

– Nhưng bà ấy có nghe thấy gì đâu?

Ngay lúc ấy cửa thang máy tự động đóng lại. Có lẽ ai đó dưới kia bấm nút gọi thang, nhìn bảng điều khiển, chúng tôi biết nó đang chạy xuống.

Thế rồi chúng tôi nghe thấy một tiếng súng xa xăm vọng lại.

Bảng điện tử chỉ con số tám. Vậy là đúng chỗ xuất phát của kẻ xấu số kia.

“Có lẽ ông bạn nhà văn của chúng ta nói đúng” – Dần lại thở dài – “Một số kẻ luôn luôn vội vã, thậm chí ngay cả trong lúc đi tìm lấy cái chết”.

(còn nữa…)

Đây gần như là một trong chuỗi truyện ngắn theo mạch cảm hứng từ Bóng giai nhân. Bạn có thể đọc từng phần hoặc toàn bộ, không nhất thiết phải đọc theo trình tự nào cả, nó chỉ là những bài học nho nhỏ. Ngay cả khi nó là một câu chuyện, thì nó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc, như các nhân vật tiểu thuyết, chúng không kết thúc ở trang cuối.

Các bạn có thể đọc thêm phần dị bản Ở ĐÂY – Tuy nhiên, cảnh báo trước là những bạn dưới 18 tuổi tâm hồn ngây thơ trong trắng không nên đọc dị bản này, bởi vì có thể những tâm hồn trong trắng đó sẽ bị shock khi đọc và tuổi thơ êm đềm của các bạn sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về.

Các phần khác trong chuỗi truyện theo motif này:

Nhân vật tiểu thuyết

Nhân vật tiểu thuyết 2

Bài học trong thang máy

2046

Bài học rút ra là gì?
Không nên chửi người già trong thang máy

5

Không nên bi bô trong rạp ngay cả khi bạn hôi nách và to con

1

Không nên coi thường nhà văn và các nhân vật tiểu thuyết

3

Ý kiến khác (đề nghị comment cụ thể!)

1


Sign in to vote

Nhân vật tiểu thuyết 2

In Uncategorized on Tháng Năm 18, 2008 at 3:40 sáng

Một cậu bé phục vụ chạy đến hỏi tôi uống gì.

– Anh ta uống gì tôi uống nấy – Tôi nói – Tôi là bản sao của anh ta mà, một bản sao mờ nhạt, đúng không hả nhà văn?

– Cho một ly cà phê đen đá – Anh ta quay sang nói với cậu bé.

– Đời đúng là bất công nhỉ! – Tôi nói.

– Nghĩa là sao?

– Chả sao cả, cuộc đời luôn luôn bất công, chả phải thế sao?

– À, thì có thế, nhưng anh nói như thể ám chỉ gì đó.

– Đó chính là vấn đề của anh, chữ nghĩa, những ám chỉ – Tôi nói – Các nhà văn có vẻ ưa thích trò chơi ám chỉ.

Cậu bé mang cà phê đến, tôi nếm thử, cà phê đậm đặc rất ngon. Tôi đã biết một phần lý do tại sao anh ta có thể viết về tôi như thế, chính một phần bởi tác dụng của những ly cà phê như thế này. Điều đó an ủi tôi đôi chút, hạ thấp khả năng viết lách của anh ta đôi chút. Một ngày nào đó người ta sẽ biết được sự thật là anh ta chẳng viết nổi cái gì nếu thiếu cà phê, thiếu thuốc lá, hoặc là thiếu ma túy, có trời mới biết được, có thể lắm chứ, như các ban nhạc rock ấy.

– Nào, rốt cục anh là ai? Anh muốn gì? – Anh ta hỏi tôi, sau đó châm một điếu thuốc và vắt chân chữ ngũ, thái độ đầy thách thức, kiêu ngạo.

– Anh phải có lòng tin vào con người chứ, hả nhà văn? – Tôi nói – Sao anh luôn tỏ ra chua chát và cay đắng đến thế? Phải chăng anh vấp ngã quá nhiều trong cõi đời ô nhục này? Anh gán cho các nhân vật những suy nghĩ tiêu cực bi quan đầy tuyệt vọng, đó là một sai lầm, chưa kể là nó bất công. Các nhân vật cũng đòi hỏi được đối xử công bằng, như những con người thực sự, chứ không phải chỉ là những bù nhìn, những ám chỉ, những mưu đồ nghệ thuật. Hoặc là anh chỉ nhân danh nghệ thuật thế thôi.

– Ê ê! – Anh ta ngắt lời – Này này, một vừa hai phải thôi chứ? Đấy chỉ là một cuốn tiểu thuyết rẻ tiền, nhớ chưa? Làm gì mà căng thẳng thế? Cứ cho là anh – Một nhân vật tiểu thuyết – Anh có gì đấy bất mãn và chưa hài lòng với cách viết của tôi, nhưng tôi sẽ xem xét trong lần tái bản tới, với điều kiện là anh cũng phải có thiện chí.

– Cám ơn, nghe rất trịnh thượng!

– Chuyện này vớ vẩn thật đấy! – Anh ta nói và cười khẩy – Để tôi đoán nhé, anh trùng tên với nhân vật Tiểu Đăng của tôi, hoặc cuộc đời anh có một số điều giống như tôi đã viết, anh đọc sách rồi nhầm lẫn giữa văn chương và cuộc sống. Đa số độc giả vẫn hay nhầm lẫn như thế, không sao cả, rất tốt là khác. Anh nói tôi trịnh thượng, không sao cả, rất tốt là khác. Nhưng mẹ kiếp, anh lấy tư cách đéo gì chứ? Một nhân vật tiểu thuyết à? Hô hô hô, xin lỗi anh bạn nhé, cút đi cho khuất mắt tôi!

Lúc đó tôi bỗng nhìn thấy có một cô gái ăn mặc rất sexy bước vào quán, đi cùng một gã trai, họ tiến về phía bàn chúng tôi. Trong quán rất ồn ào, chả ai để ý đến khúc vĩ thanh của tay nhà văn, tôi cũng chả để ý, vì tôi biết anh ta sẽ khùng lên. Thì sao nữa, tôi đang chọc tức anh ta mà.

– Này nhà văn! – Tôi nói – Anh đã bao giờ ngủ mơ giữa ban ngày chưa?

– Hỏi thế là ý làm sao?

– Đấy, nhìn đi! – Tôi hất hàm về phía đôi trai gái, họ đang đứng ngay cạnh bàn chúng tôi và tủm tỉm cười.

– Sao? Chuyện gì nữa đây? – Anh ta ngẩng lên nhìn họ và nhướn mày – Tôi không quen hai người này, có chuyện gì vậy?

– Thôi, để bọn này tự giới thiệu vậy – Gã trai nói – Tôi là Dần, còn đây là em Link sexy, nghe quen không?

– Còn tôi là Tiểu Đăng – Tôi nói.

Bọn họ bắt đầu ngồi xuống, còn tay nhà văn thì đứng phắt lên, khuôn mặt anh ta từ tái nhợt chuyển sang màu gì không rõ, có lẽ màu tím. Sắp sửa lắm trò vui rồi đây! Có lẽ anh ta sắp làm một điều gì đó, sắp nói điều gì đó giận dữ và ngu ngốc. Tôi cũng chẳng định ngăn anh ta lại, cả Dần và Link sexy cũng thế, họ ngoắc cậu chạy bàn lại và kêu đồ uống.

– Á á á! – Tay nhà văn ú ớ – Các người là đồng bọn với nhau phỏng? Định giở trò gì đây? Hay là định mở câu lạc bộ fan hâm mộ đấy hử?

– Fan hâm mộ! Cũng là một ý hay đấy nhỉ? – Tôi quay sang Dần nháy mắt, anh ta thì cười cười rất đểu cáng, sau đó với tay lấy cái túi xách nhỏ của Link sexy và lôi ra một khẩu súng. Anh ta chĩa súng vào tay nhà văn.

– Nhìn có quen không? – Dần nói – Ngồi xuống đi! Lẽ ra phải cho ông bạn nếm thử một viên kẹo đồng vào bụng, giống như ông đã làm với tôi ở mở đầu và phần cuối cuốn truyện ấy mới phải. Thậm chí ông bạn còn dành cho tôi một viên đạn ân huệ cuối cùng để tự sát, bắn vào đầu, có lẽ vậy phải không? Rất may là điều đó phi lý, vô lý, nên tôi đã không làm thế. Rất may là viên đạn bị thối. Thế quái nào nó lại là viên duy nhất bị thối? Thế nên tôi còn ở đây để thanh toán nợ nần với ông, nhà văn ạ, cùng với em Link sexy. Mà tôi vẫn không thể hiểu tại sao ông lại bắt chúng tôi cãi cọ nhau một trận kinh hồn, lời lẽ thì hết sức là vô văn hóa. Chuyện đó là láo toét, sự thực là chúng tôi rất tôn trọng nhau, nhà văn ạ. Có đúng không hả cưng?

– Yes! Đúng thế honey, chúng mình luôn luôn tôn trọng nhau – Cô gái tình tứ đáp lại, rồi họ thơm vào má nhau, điệu bộ hết sức khoa trương kệch cỡm.

Chụt! Chụt! Chụt!

Tôi đang nhấp cà phê, cười tí sặc. Một phần bởi bộ ngực của Link sexy, về cái này thì tay nhà văn đã mô tả khá đúng, lúc nào nó cũng như chực nhảy xổ ra khỏi cổ áo cô ả, khuy áo thì cố tình không cài.

Tay nhà văn ngồi xuống, nhìn khẩu súng chằm chằm. Cậu bé phục vụ mang đồ uống đến, thật lạ là cậu ta chả thèm để ý đến khẩu súng, cũng như tất cả khách khứa trong quán cũng thế, họ như bị mù hết cả hay sao vậy.

Nhưng tôi sực nhớ ra tất cả chúng tôi chỉ là những nhân vật tiểu thuyết, chỉ có anh ta là thật sự có một cuộc sống con người. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi ở đây, sửa lại một số những điều phi lý không hợp lý trong câu chuyện mà anh ta kể cho các bạn nghe. Chẳng hạn, các bạn sẽ tự hỏi làm sao mà Dần, cái gã nhâng nháo trơ trẽn đang ngồi kia, tại sao gã có thể thoát ra khỏi vụ đấu súng ấy, để quay về đây. Tôi thì đoán rằng sau khi kê khẩu súng vào thái dương bóp cò, đạn không nổ, gã nằm chờ chết. Thế rồi cảnh sát Hán Khẩu đến, bọn du đãng đàn em A Sùng tháo chạy tán loạn, nhân dịp đó gã nhảy xuống sông, bơi về Việt Nam, gã quay về quán Tắc Kè tìm Link sexy, trốn ở căn phòng cô ả dưỡng thương. Bây giờ thì gã ngồi đó tu cà phê ừng ực, và đang tra tấn tay nhà văn một cách thích thú.

Rõ ràng bắt đ
ầu một câu chuyện thì dễ, kết thúc nó mới là khó.

(còn nữa…)

Đây gần như là một trong chuỗi truyện ngắn theo mạch cảm hứng từ Bóng giai nhân. Bạn có thể đọc từng phần hoặc toàn bộ, không nhất thiết phải đọc theo trình tự nào cả, nó chỉ là những bài học nho nhỏ. Ngay cả khi nó là một câu chuyện, thì nó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc, như các nhân vật tiểu thuyết, chúng không kết thúc ở trang cuối.

Các bạn có thể đọc thêm phần dị bản Ở ĐÂY – Tuy nhiên, cảnh báo trước là những bạn dưới 18 tuổi tâm hồn ngây thơ trong trắng không nên đọc dị bản này, bởi vì có thể những tâm hồn trong trắng đó sẽ bị shock khi đọc và tuổi thơ êm đềm của các bạn sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về.

Các phần khác trong chuỗi truyện theo motif này:

Nhân vật tiểu thuyết

Nhân vật tiểu thuyết 2

Bài học trong thang máy

2046

Nhân vật tiểu thuyết

In Uncategorized on Tháng Năm 17, 2008 at 3:39 sáng

Tên tôi là Trần Tiểu Đăng, tôi là một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Đảo Cát Trắng, thậm chí tôi còn sống sót đến cuối truyện, cho đến khi xuất hiện trở lại trong cuốn Bóng giai nhân tiếp theo của cùng tác giả ấy thì tôi bỗng dưng lăn ra chết, đúng hơn là bị tác giả cho chết một cách lãng xẹt, bởi một tai nạn giao thông kinh tởm. Trong suốt cả cuốn tiểu thuyết ấy, tôi chỉ được nhắc đến tên, thậm chí được nhắc liên tục, nhưng chỉ là như người ta nói về một người đã chết. Và bây giờ thì tôi ở đây để kể lại cho bạn biết lý do vì sao mà tôi chết.

Tôi vẫn tin tưởng một cách sâu sắc rằng mỗi nhân vật có đời sống riêng của nó, mỗi khi một độc giả nào đó lật từng trang sách, hoặc khi họ dán mắt vào màn hình máy tính để đọc trên mạng, những lúc đó họ hóa thân vào nhân vật, và lang thang trong thế giới hỗn độn của hắn. Ở đây tôi là người kể chuyện, và trong lúc đọc bạn sẽ trở thành tôi, bằng cách đó tôi coi bạn như một độc giả đang dõi theo từng dòng chữ mà tôi đang gõ gõ bây giờ, bạn sẽ là một độc giả thông minh, nhạy cảm, có thể hiểu thấu những điều đã dẫn dắt tôi viết ra, cái lý do sâu xa cho việc đó, bạn có thể xúc động hay thờ ơ, nhưng tôi tin rằng ngay từ đầu chúng ta đã có một thỏa ước với nhau, hoặc giống như tình yêu, và rằng tình yêu này là không vụ lợi, cũng sẽ không là tìm cách xích lại gần nhau, thậm chí đôi khi hay thường xuyên, bạn sẽ phản đối tôi kịch liệt, sẽ luôn có một khoảng cách khá xa, cho dù bạn có đôi chút ngưỡng mộ đi nữa. Nhưng khi ấy thì thường là quá muộn rồi, tôi đã viết xong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, hoặc một chương, hoặc đó là một truyện ngắn. Ngay bây giờ, tôi hình dung bạn đang nghe tôi kể chuyện, bạn đang ở đây, nhưng bạn chẳng thể làm gì với câu chuyện dông dài và phi lý của tôi cả.

Hãy kiên nhẫn, bởi vì bạn cần nhớ rằng tôi chỉ là một nhân vật tiểu thuyết, tôi cũng chỉ là một nạn nhân của tác giả đã tạo ra tôi, bắt tôi phải nói với bạn tất cả những chuyện này, và theo cách đó anh ta khiến bạn cũng trở thành nạn nhân nốt.

Thậm chí anh ta không thèm tả về hình dáng của tôi trong những cuốn sách của mình. Điều đó làm tôi rất giận, mặc dù tôi chỉ là một gã nhỏ thó, hình thức bình thường, có phần nào dễ coi, nhưng tôi yêu cái thân xác ấy vô cùng, bởi vì một ngày nào đó nó sẽ biến mất khỏi cõi đời, khi bạn gập trang sách cuối cùng lại, trút một hơi thở dài. Cuộc đời một nhân vật tiểu thuyết ngắn ngủi lắm!

Đây, tôi đây: Cao một mét sáu mươi tư, tóc đen mắt nâu, mà theo như mô tả trong sách thì đôi khi đôi mắt tôi có một ánh nhìn chứa đựng sự chết chóc, mà tôi không hiểu nổi nó là thế nào nữa. Sự tùy tiện của ngôn ngữ bây giờ cũng lạm phát như nền kinh tế vậy, ngôn ngữ chả còn mấy giá trị gì. Hôm qua người ta còn xúc động vì những bài hùng biện, hôm sau người ta đã có thể cười nhạo nó như một trò hề. Các tính từ bị sử dụng bừa bãi, đôi khi được gán cho những điều trái ngược với ý nghĩa ban đầu của nó, thành ra khi người ta nói thế này mình phải hiểu thế kia. May ra các con số còn ở đúng chỗ của chúng. Vì thế tôi sẽ nói về các con số, như các số liệu thống kê khách quan của một bản báo cáo tài chính: Chiều cao một mét sáu mươi tư, cân nặng năm mươi nhăm cân, ba mươi tư tuổi, có một vợ và một đứa con gái tám tuổi rưỡi, ngoài ra sở hữu hai chiếc xe ô tô riêng, chưa kể xe công ty. Nói thêm về công ty, tôi sở hữu năm mươi mốt phần trăm cổ phần, anh bạn Thomas Trần sở hữu hai mươi phần trăm, số còn lại thuộc về vài cậu đàn em, cho gọi là có tí trách nhiệm. Tất cả những điều này tôi nghĩ phải có trách nhiệm thông báo cho rõ, bởi vì anh ta, tác giả những cuốn sách, hoàn toàn bỏ qua. Anh ta hầu như chỉ chú trọng mô tả những cảnh làm tình của các nhân vật, cùng vô số những ám ảnh bệnh hoạn nào đó, mà quên rằng độc giả luôn tò mò về mọi thứ liên quan đến nhân vật. Và cuối cùng thì tôi lại phải làm thay anh ta cái công việc của nợ này, ngay cả khi tôi đã chết.

Anh ta in sách, lĩnh nhuận bút và các giải thưởng văn chương, sau đó hoàn toàn lãng quên các nhân vật của mình. Anh ta nghĩ các nhân vật chẳng có quyền đòi hỏi gì. Thế đấy!

Nhưng anh ta đã nhầm. Một ngày nọ, một ngày cũng chẳng đẹp trời lắm, khi anh ta đang ngồi nhâm nhi ly cà phê bên vỉa hè, khoái trá lật giở trang báo có đăng bài viết ca tụng tác phẩm của mình, tôi bước vào và ngồi xuống ngay trước mặt anh ta.

Thoạt tiên anh ta chẳng nhận ra tôi. Anh ta lịch sự mỉm cười, ý như là quán đông khách và anh ta không lấy làm phiền khi tôi phải ngồi ghép chung bàn như thế. Nhưng rồi anh ta bắt đầu khó chịu khi tôi cứ nhìn chằm chằm, với nụ cười chế giễu trên môi.

– Xin lỗi! – Anh ta nói – Tôi có quen anh không nhỉ?

– Có đấy, tôi là Trần Tiểu Đăng – Tôi nói – Còn anh chắc là Đặng Thiều Quang, nhà văn trẻ triển vọng của năm, đúng không?

– Hê, chắc anh vừa đọc báo? – Anh ta chìa bài báo có in hình anh ta về phía tôi khoe khoang.

– Không, tôi chưa đọc – Tôi nói – Nhưng tôi biết, vì tôi là Trần Tiểu Đăng, nhân vật của anh.

– Anh có cái tên trùng với nhân vật trong những cuốn sách của tôi hả?

– Tôi chính là nhân vật đó – Tôi nhổm người lên nói rõ ràng – Tôi là một sản phẩm què quặt của anh, vì thế tôi đến đây để đòi nợ.

Anh ta có vẻ sợ hãi và lúng túng. Anh ta quay ra nhìn khắp lượt cái quán cà phê như cầu cứu, nhưng đó là một cái quán cà phê bình dân nhốn nháo, chả ai để ý đến câu chuyện của chúng tôi, hết thảy bọn họ đang say sưa trong những câu chuyện riêng. Cuối cùng anh ta quay lại và nhìn tôi chằm chằm:

– Vậy anh muốn thanh toán như thế nào? – Anh ta hỏi.

– Rất đơn giản thôi, chúng ta sẽ cùng viết lại những cuốn sách ấy.

– Không bao giờ, anh điên rồi! – Anh ta giơ hai tay lên giời – Điều kinh khủng nhất là phải sửa chữa những bản thảo do chính mình viết ra, chưa nói đến chuyện viết lại. Thà viết hai cuốn sách mới còn hơn là bắt tôi làm cái công việc ngu ngốc ấy.

– Nó vốn ngu ngốc và sai trái mà – Tôi nói – Chính anh đã viết như thế.

Để tôi tả về hình dáng của anh ta cho các bạn nghe: Anh ta có nước da của một xác chết. Đôi mắt anh ta m
dại, tóc cáu bẩn, môi thâm xì, má hóp lại, còn móng tay dài ố vàng khói thuốc lá. Đấy, thần tượng của các bạn là như thế đấy. Mỗi khi anh ta mở miệng, cà phê đen đen nâu nâu dính trên hàm răng của anh ta trông phát tởm. Không thể hình dung một kẻ như thế lại có thể ngồi bịa ra những câu chuyện sướt mướt cảm động được. Nhưng đó là sự thật, và sự thật thì thường là trân trối như thế đấy.

Nhân nhắc đến từ trân trối, tôi phải cảm ơn một nữ tác giả cùng thời với anh ta, với cụm từ “tình huống trân trối” nổi tiếng. Đó là nữ sĩ Chả Sất, mà một trăm người đọc văn thơ của nàng thì đến chín mươi chín người nghĩ nàng điên. Tôi thì không nghĩ như chín mươi chín người kia, tôi nghĩ khác, hơn thế nữa, tôi nghĩ nàng đã điên nặng.

Vâng, giờ thì tôi đang nghĩ đến bác sĩ tâm lý Chả Sất, bởi vì tôi đang ở trong một tình huống trân trối. Tôi đang đối diện với tác giả đã tạo ra mình – Một nhân vật tiểu thuyết, và tôi đang đòi quyền được là đồng tác giả, đòi viết lại những trang đời mình.

Tôi nghĩ đó cũng không phải là một đòi hỏi gì quá quắt.

(còn nữa…)

Đây gần như là một trong chuỗi truyện ngắn theo mạch cảm hứng từ Bóng giai nhân. Bạn có thể đọc từng phần hoặc toàn bộ, không nhất thiết phải đọc theo trình tự nào cả, nó chỉ là những bài học nho nhỏ. Ngay cả khi nó là một câu chuyện, thì nó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc, như các nhân vật tiểu thuyết, chúng không kết thúc ở trang cuối.

Các bạn có thể đọc thêm phần dị bản Ở ĐÂY – Tuy nhiên, cảnh báo trước là những bạn dưới 18 tuổi tâm hồn ngây thơ trong trắng không nên đọc dị bản này, bởi vì có thể những tâm hồn trong trắng đó sẽ bị shock khi đọc và tuổi thơ êm đềm của các bạn sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về.

Các phần khác trong chuỗi truyện theo motif này:

Nhân vật tiểu thuyết

Nhân vật tiểu thuyết 2

Bài học trong thang máy

2046

Scandal

In Uncategorized on Tháng Năm 16, 2008 at 7:24 sáng

Những ngày này vụ scandal hai nhà báo và công an bị bắt tràn ngập khắp các diễn đàn và blog. Khi không đủ thông tin, hoặc nhiễu thông tin, người ta chẳng còn biết tin vào cái gì ngoài bản thân mình, hoặc người ta chỉ còn dám tin vào những việc mắt thấy tai nghe, hoặc bản thân họ phải là người trong cuộc để có thể lý giải hay biện minh cho sự việc đã xảy ra.

Trong khi các bạn hăm hở lao vào buôn chuyện ở đâyở đây nữa rồi như thường lệ bắt đầu quay sang cãi cọ cắn lẫn nhau, thì ở đâu đó, có những kẻ mỉm cười.

Rồi khi mọi chuyện đã qua, khi mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa theo một cách bí hiểm, như một canh bạc, các bạn nhận ra mình đã đặt nhầm cửa. Căn nguyên sâu xa cho mọi tấn bi hài kịch của chúng ta xuất phát từ đâu? Hãy tự hỏi và tự tìm câu trả lời.

Nghệ thuật viết

In Uncategorized on Tháng Năm 13, 2008 at 3:10 sáng

Thi thoảng tôi lại có những cuộc tranh luận nho nhỏ với các bạn trẻ tay ngang như mình, về chuyện viết văn như thế nào cho hay. Tất nhiên những cuộc tranh luận không bao giờ có hồi kết, nhưng không hẳn là vô bổ. Đây là một câu hỏi quá lớn, và hầu như là không thể trả lời. Nếu có câu trả lời, tôi đã không ngồi gõ gõ những dòng chữ thế này. Có ngần ấy chữ cái thôi, xáo trộn chúng, sắp xếp, đặt câu…

Giữa văn chương và những cái có vẻ văn chương là một khoảng lờ mờ, dễ nhầm lẫn. Ngay cả khi những câu văn mượt mà óng ả được người ta viết ra, cũng đã trở thành sáo mòn, vì thế với tôi chúng trôi tuột đi, chả còn ấn tượng gì cả. Vì thế thật khó định nghĩa thế nào là một tác phẩm văn chương, tôi chỉ đánh giá chúng ở mức độ hấp dẫn, một cách đầy cảm tính. Tất nhiên tôi không đánh giá cao, về mặt văn chương, ở thể loại tự truyện hay hồi ký hoặc những thứ đại loại như vậy, ở đó người ta bị trói buộc vào sự thật lịch sử với lời tuyên thệ kiếu “tôi xin thề những gì nói ra đây hoàn toàn là sự thật, chỉ sự thật mà thôi”.

Tôi đánh giá cao những tác giả dám “bịa đặt”, đó chính là cái thứ quyền lực tối thượng của một tác giả (mà buồn cười ở chỗ nhiều người viết lại luôn tìm cách chối bỏ nó), đó chính là sáng tạo thực sự, trong đó những suy tư trong ngôn từ được đẩy đi xa hơn, thậm chí có thể, may ra, tư tưởng nằm ở đó, trong hành trình đóng kín, kiên nhẫn hì hụi đào một đường hầm xuyên qua mớ tăm tối của chính mình. Có thể sẽ tìm thấy một mỏ vàng, có thể tìm thấy địa ngục. Nhưng thường thì người ta chỉ cày cuốc trên lớp đất mùn màu mỡ, hớt váng. Chạm phải lớp đất đá rắn chắc, người ta nản chí, mệt mỏi, và bỏ cuộc. Ngay chính tác giả đã bỏ cuộc, thì độc giả còn mong đợi gì nữa?

Tôi có nói với một số bạn trẻ đang hoang mang với nghề viết, rằng dấn thân vào viết văn, nghĩa là bạn phải chấp nhận tự đặt mình vào tình thế chống lại cả thế giới, một kẻ nổi loạn. Không phải vậy sao, khi bạn sẽ viết ra những điều trái ngược, phi lý? Đôi khi phải cực đoan, mù quáng, vĩ cuồng. Phải tin vào công việc của mình, cho dù bị tất thảy cười nhạo. Nào, nếu định viết văn, bạn định kể cho tôi nghe chuyện gì? Một câu chuyện khác thường? Hay là một thứ nhàn nhạt kiểu như bài tập làm văn, trong đó có những câu văn đèm đẹp, những thứ cảm xúc được gọi tên, mà bấy lâu tôi đã nghe đến phát chán? Rõ ràng là bạn muốn thuyết phục được ngay cả những độc giả khó tính nhất, cách tốt nhất là thoạt tiên hãy chọc tức họ đã, dụ dỗ họ ra khỏi sự lười biếng và an toàn. Nếu họ kiên nhẫn đọc hết cuốn sách của bạn, vậy là bạn đã thành công rồi. Họ chê bai bạn, lại thêm thành công. Còn nếu họ khen ngợi, vậy thì quá tốt rồi còn gì! Nhưng hãy cẩn thận kẻo bị đám đông ru ngủ!

Ngay từ đầu, phải xác định mình là một kẻ khác thường, đủ khả năng viết như một tay chuyên nghiệp. Còn nếu không, bạn hãy tìm một công việc khác. Chẳng có chỗ cho khái niệm viết chơi chơi ở đây. Văn học, xét cho cùng là một thứ để giải trí, giống như phim ảnh, phải làm đến nơi đến chốn người ta mới để mắt đến. Dù bạn định làm phim truyền hình nhiều tập cho đại chúng hay một tác phẩm điện ảnh thực thụ, bạn vẫn phải làm tử tế, không làm chơi chơi được.

Chính vì lý do đó, vẫn có những kẻ như tôi, kiên trì với lựa chọn của mình, làm cái loại công việc này, những kẻ hoặc là dũng cảm, hoặc là liều lĩnh, nói sao cũng được. Khi đã viết lách một thời gian, ngôn từ không còn ý nghĩa ban đầu nữa, người ta tìm cách thay đổi chúng, nói xuôi nói ngược, và tìm thấy trong đó những ý nghĩa mới. Viết văn là một thứ sai trái, gây nghiện.

Ban đầu bạn định viết chơi chơi cho vui, chứng tỏ rằng viết văn chả là cái quái gì quá khó khăn. Một vài tản văn, vài truyện ngắn, thậm chí một cuốn tiểu thuyết. Bạn chứng minh rằng mình hoàn toàn có khả năng viết văn. Nhưng rồi sao nữa? Bạn bỏ giữa chừng để làm những việc khác kiếm được nhiều tiền hơn chứ gì? Tất nhiên, không ai phản đối lựa chọn của bạn, thậm chí hầu hết mọi người đều sẽ ủng hộ quyết định đúng đắn và tỉnh táo của bạn, và rồi tất cả chìm vào quên lãng.

Đôi khi, bạn tự cho phép mình xa xỉ tiêu tốn thời gian, tình cờ đọc một cuốn sách tẻ nhạt, bạn tự nhủ: “Mình có thể viết hay hơn thế này, chẳng qua mình không có thời gian, mình không thèm viết đấy thôi”. Bạn vẫn nghĩ mình hoàn toàn có khả năng trở thành một nhà văn lớn, rồi bạn chết đi, khi đã già, mà chưa từng viết cái gì ra hồn, chưa từng dám lựa chọn điều khó khăn ấy.

Vâng, viết văn là một lựa chọn khó khăn đấy, cứ thử thì biết!

Những bạn nào có ý định viết văn, dù viết để “chơi chơi” hay coi nó là một công việc, lời khuyên là hãy đọc những link sau, hầu hết liên quan đến văn chương:

Viết để làm gì? – Jean Paul Sartre

Viết để làm gì? (2) – Jean Paul Sartre

Về “Độ không của lối viết”

Tiểu thuyết là gì?Nhà văn không đầuKhông nên an toàn – Butler

Cốt truyện – cửa ải gian khó của nhà văn

Tiểu thuyết hay kịch bản? – Wesley Strick

Tử cung vĩ đại – Henry Miller

Thuyết Trực giác – Henri Bergson

Sigmund Freud – Vài nét về nhà phân tâm học

V
quan hệ của tâm lí học phân tích đối với sáng tạo văn học nghệ thuật
– C.G. Jung

Văng mạng học? Khổ lắm, nói mãi, biết dồi!!! Biết rồi, khổ lắm! Nói mãi… – Tán nhảm về văn học mạng.

Tất cả đều là tiểu thuyết đầu tay – Đặng Thiều Quang

Trả lời báo Tiền Phong – Đặng Thiều Quang

Trả lời VTCnew

Bàn tròn – TTVH

Người Đẹp Việt Nam

Người viết trẻ & quan niệm về sex

Chơi văn – Linh’s Blog

Đảo cát trắng – review của DongA

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (phần 1) – Cao Việt Dũng.

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (phần 2) – Cao Việt Dũng.

… còn rất nhiều link nữa, từ từ rồi post một thể…

Người tình cũ

In Uncategorized on Tháng Năm 9, 2008 at 9:00 sáng

Tôi gặp lại người tình cũ vào một ngày mùa xuân ẩm ướt mưa phùn, trời lạnh ủ dột, cũng như tình trạng tinh thần tôi lúc đó cực kỳ tồi tệ. Cuối cùng thì tôi đã không làm được một cái gì ra hồn, khi đã sắp bước qua ngưỡng tuổi bốn mươi, chẳng vợ con gì, lê la khắp châu Âu, học hành dang dở, thậm chí suýt nữa đã đi tu, trong một lần dở hơi nào đó. Vâng, người ta vẫn nói là tôi dở hơi, từ cái hồi tôi tự tử vì cô ấy. Chuyện xảy ra lâu rồi, hơi lan man và lộn xộn, tôi cũng chả biết bắt đầu kể từ đâu nữa.

Có lẽ nên bắt đầu từ việc nói rõ bây giờ tôi đã trở về Việt Nam, đúng hơn là đã được chục năm nay. Ngày xưa chính vì cô ấy mà tôi đã bỏ dở trường mỹ thuật để sang Đức, làm đủ mọi thứ, từ chạy bàn, dọn tuyết, rửa bát… bất cứ việc gì, miễn là để sống sót và có cơ hội được gần cô ấy. Nhưng rồi rốt cuộc chúng tôi vẫn chia tay nhau, đó là chuyện bình thường vẫn xảy ra hàng ngày, khắp nơi trên thế giới.

Và bây giờ, tôi bỗng gặp lại cô một cách tình cờ, vào lúc không ngờ nhất. Tôi cứ ngỡ cô ấy đã biến mất khỏi cuộc đời mình, như một giấc mơ buồn rầu, một cơn mưa ủ dột, như thể cô ấy đã chết, hoặc chính tôi đã chết, vậy mà chúng tôi chạm lại mặt nhau ngay một quán cà phê đông đúc. Chúng tôi nhìn nhau hồi lâu, chả biết nói gì, rồi cuối cùng tôi cũng cất lời trước.

– Em làm gì ở đây? – Tôi hỏi.

– Thế còn anh, anh làm gì ở đây? – Cô hỏi lại tôi.

– Anh không biết nữa – Tôi hơi mỉm cười – Anh cũng chẳng biết tại sao anh lại ở đây mà lại không phải ở đâu đó, ý anh là ở bên kia ấy, anh cứ nghĩ là em vẫn còn ở bên kia, nhanh nhỉ?

– Thì em cũng vậy, em về mấy năm rồi, nhưng có lúc cảm giác cứ như mới hôm qua ấy.

Sau đó, cuối câu chuyện rời rạc, chúng tôi đi kiếm một cái giường, cái này thì sẵn thôi. Chúng tôi dành cả ngày mưa phùn ẩm ướt hôm đó để nằm ôm nhau, vuốt ve, nhớ lại hồi mới sang bên Đức.

– Em đã lấy chồng, có một đứa con trai rồi – Cô ấy nói như thế, khi đó ngoài cửa sổ trời chiều đã hấp hối và bắt đầu chuyển sang một màu tối thẫm.

– Tốt thôi – Tôi nói.

– Nhưng cuộc sống của em, em không biết nữa, thật sự là khốn nạn, ngột ngạt, như là em đang bị chôn sống ấy!

– Anh thì biết trước là nó sẽ như thế, với tính cách của em.

– Nghĩa là sao?

– Anh hiểu em quá rõ, em là người đàn bà đa đoan mà.

Cô ấy mặc lại quần áo trong bóng tối, giấu một hơi thở dài. Chúng tôi chia tay nhau lặng lẽ, cô ấy về trước, tôi còn nằm nán lại trong căn phòng trọ tồi tàn.

Trần truồng, trân trối nhìn mãi vào bầu trời nhập nhoạng ngoài ô cửa sổ, tôi bỗng cảm thấy chán nản và tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

***

Ngày xưa chúng tôi cùng lớn lên trong khu tập thể cũ, bây giờ người ta đã phá nó đi rồi. Chúng tôi chơi thân với nhau từ khi còn bé tí, vì đều là con một, lại gần nhà nhau, suốt ngày chí chóe. Đến khi tôi vào đại học, cô ấy học lớp mười một và bỗng nhiên trở nên xinh đẹp, nhiều thằng con trai trêu ghẹo, khi đó thì tôi mới bắt đầu để ý và bày tỏ tình yêu. Chỉ vì một trò giận dỗi kiểu trẻ con, không rõ nữa, tôi mua một nắm thuốc ngủ và làm cái trò tự tử.

Tất nhiên chuyện đó thật ngu ngốc, và tôi chẳng toi mạng, vì tôi vẫn còn sống sờ sờ để kể lại câu chuyện này. Cái làm tôi mê đắm nhất chính là ở chỗ sau vụ ầm ĩ đó, mọi người ra sức cưng chiều tôi, còn cô ấy chính là kẻ phải gánh chịu tất cả trách nhiệm. Dưới áp lực của hai gia đình, cô ấy tỏ ra sẵn sàng chiều tôi, ban phát cho tôi những lời động viên, thậm chí cả những cử chỉ quan tâm âu yếm, bón cháo cho tôi ăn chẳng hạn. Chỉ cần tôi làm mặt buồn, bố mẹ tôi giả vờ đi đâu đó ra ngoài, thế là y rằng lát sau bỗng đâu cô nàng làm như tình cờ ghé sang nhà tôi chơi vậy, rất đúng lúc!

Nhưng cái trò ăn mày lòng thương hại và giả ngây giả ngô ấy cũng chẳng thể diễn mãi được. Cô ấy bắt đầu phát chán và phớt lờ tôi. Dù sao cô ấy cũng mới mười sáu tuổi, còn bận bịu học hành. Và bố mẹ cô ấy nữa chứ, họ nói thẳng vào mặt tôi là hãy thôi ngay cái trò rồ dại ấy đi, thằng dở hơi.

Hàng tuần liền tôi không thể gặp cô ấy, thời tiết thì tệ hại, trời mưa sụt sùi hết ngày này đến ngày khác, tôi nghỉ học liên miên, và thực sự không còn thiết gì trên đời này nữa. Tôi đóng cửa tự giam mình trong phòng, bố mẹ tôi rất lo lắng, cứ vài phút lại ngó qua song cửa (từ khi tôi tự tử họ thay cánh cửa gỗ bằng cửa song sắt để tiện theo dõi cậu quý tử). Thực ra hồi đó tôi không điên khùng lắm đâu, chỉ tỏ ra vậy thôi. Tuy nhiên, đêm nào bố mẹ tôi cũng thay nhau thức canh chừng tôi. Tôi là con một, là cháu đích tôn của dòng họ, và quả thật tôi cũng đích thực là một thằng mất dạy.

Tôi bắt đầu vẽ rất nhiều phác thảo, tôi nghĩ đến cô ấy hầu như 24/24 giờ đồng h
trong suốt bảy ngày trong tuần, cả trong mơ. Tôi vẽ cô ấy khỏa thân, cơ thể cô ấy tôi đã thuộc nó từ lâu, ngay từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ trần truồng tắm chung ở cái máy nước đầu khu tập thể, rồi đến suốt tuổi dậy thì sau này.

Gần một tháng trời tự giam mình trong phòng, rồi thì tôi cũng hoàn thành bức tranh. Tôi viết một lá thư dài cho cô ấy, như kiểu tối hậu thư, đại loại nói rằng tôi chỉ cần cô ấy sang gặp tôi một lần nữa thôi, rồi sau đó có chết tôi cũng cam (lại lấy cái chết ra dọa!).

Cô ấy tỏ ra hồi hộp và thích thú khi tôi chậm rãi, trang trọng, từ từ mở tấm vải che phủ bức tranh. Đầu tiên là vẻ sững sờ kinh ngạc, sau đó khuôn mặt cô ấy dần tái đi, giận dữ, có thể là như thế, tôi cũng không rõ lắm, rồi bất ngờ cô ấy tát tôi một cái rõ mạnh. Đồ bẩn thỉu, cô ấy nói, sau đó bỏ đi, hệt như một cảnh trong bộ phim truyền hình được ưa thích hồi đó, hình như Đơn giản tôi là Maria hay Người giàu cũng khóc thì phải. Hay là phim Nô tì Isaura nhỉ?

Đâu như đó là cuối những năm tám mươi, hoặc là đầu những năm chín mươi, tôi không rõ lắm, tôi không muốn nhớ lại quãng thời gian đó chút nào.

***

Cứ vài ngày chúng tôi lại lén lút gặp nhau, cũng vẫn cái phòng trọ tồi tàn ấy, chỉ với một tin nhắn của cô ấy là tôi đến. Giống như những thói quen, dù tệ hại, nhưng nó khiến người ta cảm thấy mình còn tồn tại, còn có một ý nghĩa nào đó. Chúng tôi biết nhau quá rõ, thuộc từng dấu vết trên cơ thể nhau, từng thói quen, đến nhàm chán và tuyệt vọng, có thể chính nó đã dẫn đến việc chia tay hồi đó, điểm kết thúc, để mỗi người có thể tìm kiếm cho mình một khởi đầu mới.

Nhưng bây giờ, tôi không biết chuyện hẹn hò này đang là bắt đầu hay kết thúc, từ lâu rồi tôi không còn muốn gọi tên sự việc nữa, nó quá sức tôi, nó chỉ là những ngôn từ vô nghĩa.

– Sao anh không lấy một ai đó? – Một lần nào đó, cô ấy hỏi tôi.

– Anh không biết, mà để làm gì? – Tôi đã hỏi lại như thế – Để khiến thêm một ai đó khốn khổ vì anh à? Sau những chuyện như anh và em?

Cô ấy không nói gì. Tôi lại đốt thuốc và nhìn ra ngoài cửa sổ. Lát sau tôi bảo: Với lại, chả ai muốn lấy anh, vấn đề là ở chỗ đó.

Cô ấy vẫn im lặng, đầy cay đắng, cô ấy lặng lẽ mặc quần áo trở lại và biến mất vào bóng chiều tối sẫm ngoài kia. Cô ấy luôn luôn nói rằng em sẽ ly dị gã chồng độc đoán kia, em sẽ đủ khả năng tự nuôi con, sống theo cách mà em muốn. Và sẽ ngủ với những gã đàn ông mà em muốn chứ gì, tôi nghĩ bụng. Có lẽ trong viễn cảnh đó sẽ không có tôi, tất nhiên, tôi chỉ là giải pháp tạm thời của cô ấy. Nói ra nghe rất vớ vẩn, nhưng đúng là đến nay cuộc đời tôi, suy cho cùng nó cũng chỉ là một chuỗi những chuyện tạm thời và vớ vẩn.

***

Có thể một lúc nào đó cô ấy đã rất hận tôi, nhưng cũng đâu đó trong vô thức, một thứ bản năng chăm bẵm của giống cái, một thói quen, khiến cô ấy vẫn nghĩ tôi là một bi kịch mà cô là nguyên do, ngay cả sự thất bại trong hội họa và lối sống lập dị của tôi. Và thế là theo cách đó mọi chuyện lại tái diễn.

Cô ấy lại từ từ trút bỏ quần áo trong cái dáng vẻ vô cùng thân thuộc, như hồi xưa, mỗi khi làm mẫu cho tôi, khi có đến vài ngày tôi vẽ mãi, vẽ mãi, cho tới khi kiệt sức, cô ấy ôm tôi vào lòng, vuốt ve mớ tóc dính bết sơn dầu của tôi. Rồi những ngày mùa đông lạnh lẽo, lò sưởi tắt ngấm, và tôi chìm vào cơn tuyệt vọng triền miên, cô ấy mang về những mẩu bánh cứng quèo, tôi ăn, đôi khi nước mắt lã chã, chẳng rõ nguồn cơn.

Nhưng chỉ cần ngắm cô ấy trút bỏ quần áo trong cái dáng vẻ quyến rũ ấy, thì tôi lại tìm thấy sức mạnh, niềm tin, trong công việc sáng tạo của mình, ý nghĩa của sinh tồn, màu sắc, sự sống, vẻ đẹp ngắn ngủi ấy, như một ngọn lửa, mà ngay khi sinh ra ta đã biết rồi nó sẽ tàn lụi.

***

– Chắc chắn em sẽ ly dị anh ta, dù cho thế nào đi nữa.

– Còn thằng bé con?

– Chắc chắn bên nội nó sẽ đòi quyền chăm sóc, họ nghĩ họ lắm tiền thì sẽ có cái quyền đó, hừ, họ nghĩ thế đấy, họ còn không thể dỗ nó nín khóc hoặc cho nó ăn được nữa kia. Nhưng em sẽ không dễ dàng nhượng bộ đâu. Cái lão chồng em, lão chỉ muốn làm bố em, chứ không hề muốn làm một người chồng đúng nghĩa, lão cũng chưa từng là một người tình.

– Thế còn anh thì sao?

– Với em, không, có lẽ là với mọi người đàn bà, lúc nào anh cũng chỉ là người tình được thôi, có lúc em thấy anh như là một cậu em trai, thậm chí là như đứa con trai của em ấy, ừ mà đúng rồi đấy, có khi mãi mãi anh chỉ là một thằng bé không chịu lớn, thi thoảng hay khóc nhè nữa, thật đáng xấu hổ.

Tôi cười, cô ấy cũng cười, sau đó cô ấy bắt đầu cởi quần áo tôi và hôn khắp cơ thể tôi. Nhưng tôi cảm thấy hổ thẹn, có lẽ chính tôi đã hủy hoại cuộc đời cô ấy, ý nghĩ đó, rốt cuộc cũng hết sức ngắn ngủi, thoáng qua, vì cô ấy đã khiến tôi chìm vào trong cơn mụ mị.

***

Hai mươi năm trước, tôi nhớ đó là khi những cơn mưa phùn cuối cùng cũng kết thúc, nắng hửng lên khiến trời nồm, không khí ẩm ướt rất khó chịu, sàn nhà sũng nước. Bấy giờ bố mẹ tôi đã yên tâm về tôi, cả cô ấy cũng thế, tôi tỏ ra yêu đời và chừng mực, không còn dấu hi
u gì chán đời hay muốn tự tử nữa. Thậm chí cô ấy thường xuyên lên căn hộ nhà tôi mỗi buổi chiều, thường là lúc chỉ có hai đứa. Cô ấy cũng hay kín đáo liếc trộm bức tranh kia, tôi treo nó trong phòng ngủ, với cánh cửa luôn khép hờ. Dù sau này vẽ rất nhiều, có lẽ đó vẫn là bức tranh đẹp nhất mà tôi từng vẽ.

Rồi chuyện đó xảy ra ngay trong phòng ngủ của cô ấy, khi cô ấy mới mười sáu tuổi. Thực ra nó bắt đầu trước đó, ở phòng ngủ của tôi, trong căn nhà tôi. Nhưng thế quái nào hôm đó chúng tôi lại dại dột yêu nhau ngay trong phòng cô ấy. Mẹ cô ấy về bất chợt, bắt gặp, và trong cơn điên giận bà ta làm ầm ĩ lên, mọi chuyện vỡ lở. Thế là cô ấy bị cho nghỉ học giữa chừng, tống sang Đức, phụ giúp bà dì bán hàng. Tôi bỏ học hẳn, và năm sau tìm mọi cách sang Đức, bố mẹ tôi nhắm mắt chiều theo. Tình yêu, nghệ thuật, tự do, đó là tất cả những gì mà tôi có thể nghĩ đến trong đầu. Cuộc sống mỏi mòn nơi xa xứ đã khiến tất cả biến mất vào một ngày nào đó, vài năm sau, khi mà tôi đã vẽ hàng trăm bức tranh rồi đốt bỏ, khi chúng tôi đã điên hết các kiểu điên, đã không biết làm gì với chính sự tự do của mình, và cả tình yêu nữa, bỗng dưng một ngày nó tỏ ra không còn cần thiết và quan trọng đến thế nữa, nó biến mất, đó là khi tôi liều lĩnh lang thang khắp châu Âu như một gã ăn mày, rồi một ngày nọ tôi bỗng tình cờ đọc một cuốn sách về Phật giáo, thế là khi trở về gần hai năm sau đó, tôi muốn đi tu, tôi muốn về Việt Nam. Chúng tôi cãi nhau thường xuyên, liên miên, như trước kia vẫn vậy. Tôi đề nghị chia tay, đường ai nấy đi. Trong một cơn điên giận tôi đã đâm toạc bức tranh vẽ cô ấy năm xưa. Thế là hết!

Cô ấy không phản đối gì cả. Chúng tôi chia tay nhau một cách lịch sự, nhạt nhẽo, theo kiểu rất “Tây”. Mọi chuyện chỉ có vậy, tôi trở về Việt Nam, rồi cuối cùng cũng từ bỏ nốt ý định đi tu.

***

Cô ấy lại nhắn tin cho tôi. Không biết chuyện này sẽ kéo dài đến bao giờ, lần nào cô ấy cũng nói sẽ ly dị tay chồng ích kỷ và gia trưởng kia, chắc chắn là như thế, em cần phải được tự do, cô ấy nói, và dễ đến cả năm nay rồi.

Tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi không còn tồn tại trong tâm trí cô ấy nữa, sẽ tốt hơn cho thằng bé con của họ, sẽ tốt hơn cho tất cả, nếu như chúng tôi không quá đề cao cái thứ tự do ấy đến vậy. Tôi, quả thực giờ đây tôi chẳng biết làm gì với cái thứ tự do ấy của mình.

Tôi nhắn lại cho cô ấy: “Anh chết rồi, ngay sau tin nhắn này, đừng cố tìm anh nữa!”, sau đó tôi tháo sim điện thoại ra rồi vứt nó đi.

À, chí ít thì hình như tôi đã biết mình làm gì khi lựa chọn điều này.

Hết.